Giáo dục nắm vững các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ban hành Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên (HSSV) khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Đồng thời, giáo dục HSSV nắm vững các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông

Về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, theo Kế hoạch, đối với giáo dục mầm non cần làm quen với một số phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không. Làm quen với một số tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn) về màu sắc, hình dạng, quy định; làm quen một số dịch vụ khi tham gia giao thông. Đồng thời, thực hiện một số quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông như: Ngồi trên xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy, tàu hỏa, thuyền an toàn, đi bộ an toàn.

Đối với giáo dục tiểu học, Kế hoạch nêu rõ: Đi bộ trên đường, đi bộ qua đường an toàn, đi xe đạp trên đường an toàn; dự đoán để tránh các tình huống nguy hiểm, phòng tránh va chạm khi tầm nhìn bị che khuất và cảnh báo chơi đùa ở những nơi nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn giao thông; an toàn khi ngồi trên xe đạp, xe máy, quy định về đội mũ bảo hiểm; an toàn khi đi ô tô, xe buýt và các phương tiện giao thông đường thủy. Hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; văn hóa khi tham gia giao thông.

Đối với giáo dục trung học cơ sở: Đi bộ qua đường ở nơi không có biển chỉ dẫn, đi xe đạp trên đường an toàn, qua đường ở nơi đường bộ giao nhau với đường sắt; điều khiển xe đạp điện an toàn; quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và điều khiển xe đạp, xe đạp điện an toàn. Hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của CSGT; tình huống giao thông nguy hiểm, cách phòng tránh tai nạn giao thông; văn hóa khi tham gia giao thông.

Đối với giáo dục trung học phổ thông: Độ tuổi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, điều khiển phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện.

leftcenterrightdel
 

Các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện an toàn; nhận thức về tình hình tai nạn giao thông, hậu quả của tại nạn giao thông. Chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông, phòng tránh tại nạn giao thông, hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông; văn hóa khi tham gia giao thông.

Đối với các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm: Quy định về điều kiện được điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; các kỹ năng điều khiển phương tiện xe hai bánh tham gia giao thông an toàn và việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Quy định về nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở khi điều khiển mô tô, xe gắn máy. Các kiến thức về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ tai nạn và hậu quả phải gánh chịu khi vi phạm; văn hóa khi tham gia giao thông.

Thực hiện nghiêm túc quy định về bảo đảm ATGT đường sắt

Liên quan đến bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt, Kế hoạch nêu rõ: Tuyên truyền, giáo dục HSSV thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm ATGT đường sắt, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng, vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh, để vật chướng ngại vật, chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, ném đất, đá hoặc các vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống.

Liên quan đến bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, Kế hoạch yêu cầu: Tuyên truyền, giáo dục HSSV khi đi đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh; chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông đường thủy.

Tùy điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục, tổ chức dạy bơi cho HSSV; tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn đuối nước cho HSSV, đặc biệt quan tâm vào mùa mưa lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức cho HSSV khi đi tham quan, dã ngoại…

Việc ban hành Kế hoạch trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

 

P.V