Từ đầu năm 2015 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt gia tăng nhức nhối, còn hàng nghìn đường ngang dân sinh không rào chắn. Liệu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam với tham vọng “ăn sáng Hà Nội, ăn tối Sài Gòn” có quá xa vời?

 


Tăng 43% số vụ tai nạn

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 242 vụ TNGT đường sắt (tăng 62 vụ, tương đương 43%), làm chết 109 người (tăng 24 người, tương đương 28%), làm bị thương 152 người (tăng 42 người, tương đương 38,8%). Tuyến đường sắt xảy ra nhiều tai nạn nhất là tuyến Hà Nội-TPHCM chiếm khoảng 75%, 10% xảy ra trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng, còn lại xảy ra trên các tuyến đường khác.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc VNR cho biết, các vụ TNGT đường sắt hầu hết xảy ra trên các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, chủ yếu là tại các lối đi dân sinh tự mở trái phép. Đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng do va chạm giữa ô tô và tàu hỏa gia tăng đáng kể.

Cụ thể, có hơn 50 vụ ô tô đổ vào đường sắt, đâm va vào tàu, trong đó gần 20 vụ có người chết và bị thương, đặc biệt có vụ nạn nhân tử vong chính là tài xế tàu hỏa. Đây là điều hiếm thấy trong các vụ TNGT tàu hỏa trước đây, chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của TNGT đường sắt đang báo động.

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cũng thừa nhận, tình hình ATGT đường sắt đang mất an toàn nghiêm trọng, TNGT đường sắt gia tăng mạnh, chủ yếu xảy ra ở các đường ngang. Cả nước hiện có gần 6.000 đường ngang dân sinh thì chỉ có 10% số đường ngang có người gác chắn, còn lại hơn 4.500 đường ngang không có gác chắn.

“Chúng tôi có trách nhiệm phải kéo giảm số vụ TNGT đường sắt liên quan đến đường ngang. Hiện VNR đang chuẩn bị đầu tư, cải tạo 291 đường ngang dân sinh, đã trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt. Theo đó, gần 300 đường ngang này sẽ được đầu tư rào chắn tự động, rút bớt nhân lực để đưa về những đường ngang chưa có rào chắn và người gác”, ông Vũ Tá Tùng cho hay.

Đường sắt cao tốc liệu có là giấc mơ?

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin, từ nay đến năm 2020 ngành Đường sắt tập trung vào đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống đường sắt hiện hữu để nâng cao năng lực khai thác, cụ thể là nâng tốc độ của vận tải hành khách lên khoảng 80-90 km/giờ, vận tải hàng hóa khoảng 40-50 km/giờ. Song song đó, nghiên cứu để xây dựng đường sắt tốc độ cao, dự kiến trong chiến lược xây dựng sau năm 2020.

Theo đó, trong chiến lược hoạch định, tàu cao tốc Bắc-Nam, giai đoạn đầu khai thác tốc độ 100-200 km/giờ. Giai đoạn sau có thể nâng vận tốc lên cao hơn, thời gian di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn chỉ mất 5-6 tiếng. Dự án này yêu cầu nguồn vốn khoảng 40-50 tỷ USD từ nay đến năm 2050. Số vốn này vừa huy động từ vốn ngân sách, vừa từ nguồn vốn xã hội hóa trong nước và thậm chí là kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.

“Đường sắt tốc độ cao đã được hoạch định trong chiến lược, trong tương lai chắc chắn phải có thì mới đáp ứng được nhu cầu về vận tải. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ chúng ta phải nghiên cứu, thông qua chủ trương, thu xếp vốn…”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định.

Tuy nhiên, có thể thấy, với tình trạng đường ngang dân sinh còn ngổn ngang, hàng nghìn đường ngang không rào chắn, không người canh gác tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thì đường sắt tốc độ cao để thực hiện ước mơ “ăn sáng Hà Nội, ăn tối Sài Gòn” xem ra còn nhiều việc phải làm. Bản thân lãnh đạo ngành đường sắt, ông Vũ  Tá Tùng cũng thừa nhận: “Mục tiêu đến năm 2020 nâng tốc độ chạy tàu Bắc- Nam lên 92km/giờ, nhưng với tình trạng đường ngang như hiện nay thì không thể làm được”.
 

Theo Chinhphu.vn

.