Tại Hội thảo giải bài toán giao thông đô thị do Báo Lao động tổ chức ngày 22/5, TS. Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết: “Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỉ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi Hội thảo.

Đến nay tuyến đã được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, mỗi ngày có trên 35 ngàn hành khách sử dụng tuyến Cát Linh - Hà Đông là phương tiện đi lại, trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.”

leftcenterrightdel
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày càng thu hút người dân.

Theo TS. Vũ Hồng Trường, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được gần 3 năm và bước đầu được đánh giá là thành công. Hơn nữa, sau gần 3 năm vận hành tuyến đã từng bước xây dựng được đội ngũ những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách, những người vận hành khai thác theo hướng chuyên nghiệp và đặc biệt là bước đầu hình thành một số lượng lớn người dân luôn ưu tiên lựa chọn phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại yêu thích, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đây cũng chính là lực lượng tuyên truyền viên thúc đẩy sử dụng vận tải công cộng và giao thông xanh trong phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Đường sắt đô thị được kỳ vọng là “đầu tàu” của mạng lưới giao thông vận tải thành phố.

Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông nhấn mạnh: “Phát triển giao thông đô thị là chiến lược, là cốt lõi, là sự sống còn của một đô thị. Trong hệ thống quy hoạch chúng ta tập trung nhiều vào đường bộ, thời gian tới cần phải chú trọng hơn vào hệ thống đường sắt. Theo tôi, đường sắt là “yết hầu” của hệ thống giao thông. Đường sắt không chỉ là mạch máu chính của giao thông đô thị mà còn lại mạch máu chính của nền kinh tế.

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, để chống ùn tắc, thay vì cấm xe cá nhân, cần phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông như nâng cấp các trục đường chính, xây dựng cầu vượt, đường ngầm ở các ngã tư, sớm xóa các điểm đen giao thông, mở rộng, khai thông các cửa ngõ thành phố.

Hệ thống Metro ngầm nếu được quy hoạch và chọn hướng tuyến tốt, cho phép giảm đáng kể phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm lớn nhất quỹ đất dành cho giao thông. Đồng thời đề xuất quy hoạch, kiến trúc đô thị phải gắn liền với giao thông. Giãn dân ra các đô thị vệ tinh, hạn chế xây nhà cao tầng ở khu lõi đô thị để giảm áp lực dân số.

Mạnh Hải - Duy Minh