Sáng 13/1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND TP Hà Nội và Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Bộ GTVT cho biết, việc đưa Dự án án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác sau 10 năm đầu tư xây dựng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vệc thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

leftcenterrightdel
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành dự án (ảnh: Báo Giao thông). 

Bộ GTVT đã nghiệm thu hoàn thành Dự án đảm bảo tuân thủ đúng quy định và Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu đủ điều kiện bàn giao dự án đưa vào khai thác. Ngày 6/11/2021, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông để Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đưa Dự án vào vận hành khai thác giai đoạn đầu.

Việc chính thức tổ chức Lễ khánh thành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng về việc Dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã được triển khai thành công, đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật. Qua đây, TP Hà Nội sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đã và đang triển khai tại Thủ đô.

leftcenterrightdel
Hành khách đi tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông. 

Đại diện Công ty Hà Nội Metro cho biết, trong hơn 2 tháng vận hành thương mại, mỗi ngày tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển bình quân 14.917 hành khách với tỷ lệ khách sử dụng vé tháng đạt hơn 20%.

Đặc biệt, ngày khánh thành dự án cũng là ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đón hành khách thứ 1 triệu đi tàu.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng dự án. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, vốn vay ODA Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tuyến đường được thiết kế với khổ đôi, ray tiêu chuẩn 1.435mm, với chiều dài 13,05km đi trên cao, gồm 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35km/giờ. Với biểu đồ khai thác hiện nay, thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến chỉ hết hơn 23 phút.

Cảnh Vũ