Thu hút vốn xã hội cho đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay rất bức thiết, song chưa bao giờ dễ dàng. Các dự án giao thông xây dựng bằng nguồn vốn BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thời gian qua đã được thực hiện khá nhiều, thế nhưng các dự án thực hiện đầu tư theo hình thức PPP (vốn công - tư kết hợp) lại chưa có tiền lệ.

 


Tuyến đường liên cảng Nhơn Trạch được đăng ký là dự án điểm về hình thức đầu tư PPP của Đồng Nai nói riêng và của quốc gia nói chung. Đây là dự án được trông đợi khá nhiều do hình thức đầu tư mới, tạo cú hích cho đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn sắp tới.

Tuyến đường ngàn tỷ

Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết các công trình mà huyện Nhơn Trạch đang mong đợi là đầu tư xây dựng cụm cảng biển nhóm 5, phát triển hệ thống logistics; hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án kho và cảng chuyên dùng như xăng, dầu cung ứng cho khu vực. Để các dự án ven sông này phát triển được thì tuyến đường liên cảng cần thiết phải có. “Hiện tại nhiều dự án ở đây đã hoạt động, nhưng phải đi nhờ tuyến đê ngăn mặn tận dùng thành đường đi nên khá bất tiện” - ông Đức nói.

Không chỉ lãnh đạo huyện Nhơn Trạch mong đợi dự án sớm triển khai, mà hơn ai hết các nhà đầu tư nơi đây cũng rất nóng ruột. Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xi măng Công Thanh, có nhà máy xi măng tại khu vực cảng Ông Kèo (xã Phước Khánh), chia sẻ: “Tuyến sông Lòng Tàu rất sâu, có khả năng đón các loại tàu lớn vào được. Vì vậy, nếu đường bộ được đầu tư đồng bộ sẽ giúp cho các khu vực cảng nơi đây phát triển rất tốt”.

Theo quy hoạch, tuyến đường liên cảng có chiều dài gần 15km, đi qua các xã: Đại Phước, Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh và Vĩnh Thanh của huyện Nhơn Trạch. Đường sẽ kết nối 15 cảng đã và đang được đầu tư theo quy hoạch cảng biển nhóm 5 Đông Nam bộ. Đường rộng 99m, trong đó đường chính rộng 61m, đường gom 2 bên mỗi bên rộng 8m và vỉa hè 3m và các dãy cây xanh phân cách. Theo đơn vị tư vấn, đường được đầu tư làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 trong 3 năm đầu xây dựng 4 làn xe; giai đoạn 2 trong 3 năm tiếp theo xây dựng 4 làn xe và giai đoạn cuối cũng đầu tư trong 3 năm 4 làn xe còn lại. Tổng vốn đầu tư của dự án vào khoảng 6.355 tỷ đồng, riêng vốn cho giai đoạn 1 khoảng 2.855 tỷ đồng.

BOT bất thành

Theo lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải, dự án đường liên cảng đã có cách đây 5 năm, tuy nhiên do đường chiếm số vốn khá lớn nên không thể thực hiện được bằng vốn ngân sách, phải tìm các phương án đầu tư khác. Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho hay theo tính toán kỹ thuật thì dự án đường liên cảng sẽ không thể thực hiện đầu tư theo hình thức BOT do nguồn vốn đầu tư khá lớn, trong khi đó lượng xe ban đầu không nhiều nên việc hoàn vốn rất khó. Vì vậy, các tổ chức tín dụng sẽ không tài trợ vốn.

Cũng chính vì phương án đầu tư theo hình thức BOT bất thành nên dự án đã được đưa vào danh mục đầu tư theo hình thức PPP. “Đây thuộc dự án nhóm A nên việc chấp thuận đầu tư là Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức PPP hiện nay cần thực hiện nhanh các thủ tục tiếp theo. Đầu tư theo hình thức PPP khá phức tạp, dự án này được Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa vào danh sách một trong những dự án điểm về PPP để thu hút đầu tư hạ tầng giao thông sau này” - ông Dũng nói.

Theo các nhà chuyên môn, dự án PPP khác nhiều so với dự án đầu tư bằng vốn ngân sách hay vốn BOT, bởi vừa có vốn ngân sách góp vào (30%), nhưng cũng vừa phải tính toán thu phí để hoàn vốn cho các nhà đầu tư. Đây là dạng đầu tư còn khá mới. Ông Trịnh Tuấn Liêm, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cho biết hiện tại dự án đường liên cảng đang được sở thẩm tra phê duyệt đề cương, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 này. Theo kế hoạch, đến giữa năm 2016 sẽ hoàn thành công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Đến khoảng tháng 7-2016 sẽ thực hiện xong việc thẩm định lấy ý kiến các bộ, ngành. Dự án được phê duyệt xong vào khoảng cuối quý III-2016 lúc đó sở sẽ mời thầu theo quy định.

 

Theo Báo Đồng Nai

.