Thi công sai so với thiết kế

Theo đó, dự án đường giao thông nông thôn xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định phê duyệt ngày 03/02/2015 với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và huy động các nguồn ngân sách hợp pháp khác. Dự án do UBND xã Kỳ Tiến làm chủ đầu tư.

Sau khi có quyết định, dự án này được triển khai và đơn vị thi công là Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dũng (địa chỉ xóm 3, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và Công ty TNHH XH (trụ sở tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) làm đơn vị giám sát.

Theo thiết kế, công trình đường giao thông gồm 2 tuyến chính với chiều dài khoảng 3km, thiết kế theo dạng đường giao thông cấp VI miền núi (TCVN 5054-2005) với bề rộng nền đường 6.0m, bề rộng mặt đường 3.5m bằng bê tông xi măng đá Dmax = 4 mác 250 dày 22cm…

Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án này có dấu hiệu nhà thầu thi công sai so với thiết kế ban đầu. Theo đó, kinh phí dự toán khối lượng bê tông đổ mặt đường tuyến 1 được đơn vị thiết kế lập dự toán sử dụng loại đá 1x2 là 0.4967m3, đá 2x4 là 0.4064m3 và tuyến 2 sử dụng loại đá 1x2 và 2x4 có nguồn gốc từ mỏ đá xã Kỳ Tân với đơn giá đá 1x2 = 340.323 VNĐ/m3; đá 2x4 = 277.178 VNĐ/m3. Ngoài ra phần nền đường được đắp bằng lớp đất K98 dày 30cm, lớp đá dăm cấp phối bù vênh dày 12cm…

leftcenterrightdel
 Nhà thầu đào hố sâu dưới đất rồi sử dụng máy đào để trộn bê tông theo kiểu ước lượng

Nhưng thực tế, tại hiện trường, bằng mắt thường cũng có thể thấy, nhà thầu chỉ sử dụng loại đá rẻ tiền (đá Dmax =4) để thi công mà không sử dụng loại đá 1x2 như trong dự toán đã lập. Lớp đất nền đường K98 dày 30cm và lớp đá dăm cấp phối dài 12cm trên tuyến đường cũng bị nhà thầu ăn bớt khi không đạt khối lượng. Ngoài ra một khối lượng lớn đất bùn bẩn bóc phong hóa trên 2 tuyến đường này lẽ ra phải được vận chuyển đến một bãi thải theo quy định trước đó, nhưng lại được nhà thầu đắp lề đường nhằm giảm khối lượng loại đất đạt chuẩn...

Có đảm bảo chất lượng?

Tại điều khoản 1, Điều 21 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP có nêu rõ về việc sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc để trực tiếp quản lý dự án. Theo đó UBND cấp xã chỉ được sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc để trực tiếp quản lý đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng. Đối với công trình có tổng mức đầu tư 2-5 tỷ đồng mà UBND cấp xã được giao làm chủ đầu tư, hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định tại Điều 16 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và tại khoản 8, Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thì trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực để quản lý dự án…

Tại dự án này, cán bộ phụ trách dự án là ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tiến và bà Trần Thị Thu Giang - cán bộ địa chính xã.

Qua trao đổi, ông Long khẳng định, ông đã được cấp chứng chỉ xây dựng và đủ năng lực quản lý công trình. Tuy nhiên, trước thực tế trên, dư luận đặt câu hỏi: Trong quá trình thi công công trình này, nhà thầu sử dụng các nguồn vật liệu sai so với dự toán và công trình có nguy cơ yếu kém về chất lượng, liệu chủ đầu tư có hay biết (?).

Và tại sao khi nhà thầu đã sử dụng loại đá sai với thiết kế để thi công, nền đường yếu, bùn đất nhão nhoét… nhưng vẫn nghiệm thu vật liệu đầu vào nền đường “đạt” chuẩn để đổ bê tông mặt đường?

Dư luận địa phương đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý để công trình giao thông này thực sự mang lại hiệu quả, lợi ích lâu dài cho người dân và nguồn ngân sách nhà nước không bị lãng phí…

Đăng- Văn