Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản, số 4063/VPCP-CN, gửi các bộ Xây dựng, Tài chính và UBND các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng).
Văn bản cho biết, trên cơ sở xét báo cáo của Bộ Xây dựng tại văn bản số 3037/BXD-KHTC ngày 6/5, về việc đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo hình thức đối tác công tư (PPP), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để triển khai dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
    |
 |
Cao tốc Nha Trang- Đà Lạt sẽ có quy mô 4 làn xe. Ảnh minh họa, nguồn: Sơn Hải Group. |
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa để triển khai Dự án theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 426/TB-VPCP ngày 19/9/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, ngày 4/9/2024 tại Đà Lạt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt.
Từ nhận định, tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối hai địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh là duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn của đất nước là tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận, thống nhất nghiên cứu triển khai dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT để thu hút nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước;
    |
 |
Tuyến cao tốc Nha Trang- Đà Lạt sẽ chạy song song QL 27C. Ảnh: NH. |
UBND các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa sớm thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một địa phương là cơ quan có thẩm quyển triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành theo trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và nhà đầu tư đề xuất dự án về thiết kế hướng tuyến, chuyển mục đích sử dụng rừng, các giải pháp kỹ thuật xây dựng để đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng đến rừng, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án, hiệu quả đầu tư và các thủ tục để triển khai dự án trước năm 2030.
Phó Thủ tướng lưu ý, dự án đi qua khu vực rừng đặc dụng, địa hình phức tạp, hiểm trở, chênh lệch độ cao lớn..., cần phải có giải pháp về công nghệ, kỹ thuật phù hợp, tối ưu bảo đảm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến rừng đặc dụng, giảm chi phí đầu tư.