“Có hiện tượng người dân phản ánh mức phí giao thông cao nhưng việc điều chỉnh giảm mức tăng phí là rất khó”.

 


Bộ GTVT nhận xét tại báo cáo đánh giá công tác đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao) giai đoạn 2011-2015.

Theo Bộ GTVT, để xảy ra hiện tượng người dân phản ánh mức phí cao là do khi lập dự án đầu tư chưa có quy định lượng hóa lợi ích mang lại của tuyến đường sau khi được đầu tư so với mức phí người dân phải nộp. Ngoài ra, cũng chưa có đánh giá về khả năng chi trả của người dân và tác động mức phí đến kinh tế vĩ mô. Do đó, cần có cơ quan, đơn vị độc lập đánh giá hiệu quả đầu tư, sức chi trả của người dân và so sánh với chi phí thực phải trả so với những tiện lợi người dân được hưởng.

Hiện nhiều cơ quan cùng kiểm soát doanh thu của các trạm thu phí với quy trình chặt chẽ nhưng Bộ GTVT nhìn nhận vẫn có thể có thất thoát. Để xử lý triệt để tồn tại này, Bộ GTVT chỉ đạo tăng cường giám sát, đặc biệt lưu trữ các số liệu hình ảnh về lượng xe, loại xe để đối chứng và có giải pháp nghiêm khắc xử lý các hành vi gian lận. Bộ GTVT cũng triển khai việc thu phí tự động không dừng trên tất cả trạm thu phí của cả nước nhằm tạo sự minh bạch, thuận tiện cho việc kiểm soát doanh thu.

Bộ GTVT cũng thừa nhận có những sai sót khác trong các dự án này như nhầm lẫn xác định đơn giá định mức, nhầm lẫn trong việc xác định tổng mức đầu tư... Nguyên nhân có thể là các dự án triển khai cấp bách đặc biệt như dự án quốc lộ 1 và quốc lộ 14 qua Tây Nguyên; có cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành; hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện. Cạnh đó, ở một số dự án sau khi đưa vào khai thác đã xuất hiện các hư hỏng ở đường đầu cầu, hằn lún vệt bánh xe... “Những trường hợp này, nhà đầu tư phải tự chịu bỏ chi phí khắc phục. Bộ GTVT đã nghiêm khắc xử lý những dự án vi phạm chất lượng và dừng thu phí đối với các dự án chất lượng không đảm bảo mà không khắc phục kịp thời” - Bộ GTVT nêu.

 

Theo Pháp luật TPHCM

.