Tại Hội nghị Công bố Đề án xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh chiều 26/11, Giám đốc Công an thành phố Lê Đông Phong cho biết, ngành Công an đã xây dựng chương trình ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại vào công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Trong đó có việc xây dựng hệ thống camera kỹ thuật công nghệ tiên tiến để giám sát, định vị, nhận dạng người và phương tiện giao thông. "Từ tháng 3 đến nay Công an thành phố đã lắp đặt, thử nghiệm hệ thống camera này và kết quả khả quan", ông Phong nói.
Hệ thống cũng phục vụ công tác nghiệp vụ công an, được trang bị các phương tiện kỹ thuật tiên tiến. Nó tự động kiểm soát, phân tích hình ảnh, cảnh báo thông minh, nhận dạng biển số xe, gương mặt kết hợp với bản đồ số định vị và ghi nhận mọi thông tin về phương tiện, đối tượng. Sau đó sẽ phân tích kết quả thu được để truy quét, vẽ lại hành trình di chuyển, phân tích thói quen...
|
Đề án đô thị thông minh sẽ giúp người dân và doanh nghiệp được sinh sống và làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Ảnh: Công Khang |
Theo trung tướng Lê Đông Phong, hệ thống còn có khả năng tự động phân tích, xác định những phương tiện di chuyển có hành vi không bình thường; xây dựng các mối liên kết các đối tượng có hành vi không bình thường với nhau; thống kê đưa ra những trường hợp có tần suất xuất hiện bất thường tại một số vị trí.
Hệ thống cũng tự động phát hiện, cảnh báo những đối tượng cần chú ý cho các đơn vị công an gần nhất, đồng thời cập nhật nhanh mật độ giao thông trên các tuyến đường.
"So với camera giám sát thông thường, hệ thống camera này thông minh hơn, tự động phân tích số lượng thông tin rất lớn. Công an thành phố sẽ triển khai quyết liệt trong thời gian tới", ông Phong nói.
Theo Đề án xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025 vừa được công bố, người dân và doanh nghiệp sẽ được sinh sống và làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Các cơ sở dữ liệu được số hóa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải photo nhiều giấy tờ như CMND, hộ khẩu, điền tay và thực hiện nhiều thủ tục.
Về giao thông, người dân được sử dụng hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.
Trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế... Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân, cho phép bác sĩ dễ dàng biệt thông tin của bệnh nhân. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng được hạn chế.
Về lĩnh vực thực phẩm, người dân dễ tiếp cận thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đánh giá được nguy cơ rủi ro trước khi lựa chọn sử dụng. Các giải pháp ứng dụng sẽ cho phép người dân có thể truy xuất nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm để có thể yên tâm hơn.
Trong chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho thành phố như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp.
Các kênh thông tin tương tác theo thời gian thực giữa chính quyền và người dân cũng giúp các nhà cung cấp những dự báo, cảnh báo về khả năng xảy ra ngập cũng như các kiến thức về phòng chống ứng phó với ngập lụt.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, các dữ liệu mở về quy hoạch đô thị cho người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.
Theo VnExpress.net