Các phương tiện giao thông cá nhân đang gia tăng với tốc độ chóng mặt cộng với những hạn chế của hạ tầng đô thị Hà Nội đang tạo áp lực đè nặng lên vai lực lượng Cảnh sát giao thông. Nếu không sớm có biện pháp giảm tải thì ùn tắc giao thông sẽ là câu chuyện… không có hồi kết.
 

Cảnh ùn tắc giờ cao điểm tại đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội Ảnh: BẢO NGỌC
Cảnh ùn tắc giờ cao điểm tại đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội Ảnh: BẢO NGỌC


Phương tiện cá nhân tăng lên từng ngày

Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, trong năm 2015, lực lượng CSGT đã đăng ký mới cho 246.480 phương tiện. Con số này so với năm 2014 tăng 20.495 trường hợp. Phân tích cho thấy cả hai loại phương tiện chính hiện nay gồm ôtô và môtô, xe máy đều tăng. Đáng chú ý, tốc độ đăng ký mới của xe ôtô tăng mạnh, hơn 51% so với năm 2014.

Đại úy Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt cho biết: “Nếu tính cả con số gần 300.000 trường hợp đăng ký mới trong năm 2015, hiện đơn vị đang quản lý gần 6 triệu phương tiện trên địa bàn thành phố, trong đó xe máy chiếm hơn 5 triệu phương tiện, còn lại đa số là ôtô. Tốc độ đăng ký phương tiện cá nhân hiện nay rất lớn và lượng ôtô đang có xu hướng tăng nhanh hơn so với xe máy. Nhu cầu đăng ký phương tiện của người dân là rất chính đáng, nó thể hiện sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc gia tăng mạnh mẽ lượng phương tiện cá nhân này cũng đã tác động rất lớn tới tình hình giao thông của Thủ đô”.

Hiện tốc độ gia tăng phương tiện quá lớn, song cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế. Chính vì lẽ đó, áp lực dồn lên giao thông cũng như lực lượng làm công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) ngày càng lớn.

Trời mưa, lượng ô tô lưu thông tăng gấp 3

Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, Đội trưởng Đội CSGT số 7 đánh giá: “Vài năm qua, tuyến đường Nguyễn Trãi, Quang Trung luôn nằm trong diện bị quá tải. Bên cạnh sự thi công ì ạch, thiếu trách nhiệm của các đơn vị thi công, nhà thầu công trình đường sắt trên cao, còn có nguyên nhân gia tăng mạnh mẽ phương tiện cá nhân. Khi trời mưa, lượng ôtô cá nhân lưu thông trên đường tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Lòng đường nhỏ hẹp do bị rào chắn phục vụ thi công, cộng với lượng phương tiện cá nhân tăng đột biến như vậy, nên nguy cơ xảy ra ùn tắc luôn rình rập”.

Nhìn nhận tốc độ gia tăng mạnh mẽ của phương tiện cá nhân tác động đến công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn quận Đống Đa hiện nay, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết: “Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Đống Đa cũng đang trong tình trạng vừa thi công vừa sử dụng. Bên cạnh đó, những tuyến đường huyết mạch như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng... hiện nay đang ngày càng bị “bóp nghẹt” bởi các phương tiện cá nhân, nhất là trong khung giờ cao điểm sáng và chiều”.

Để phòng chống ùn tắc, ngoài bộ phận xử lý hồ sơ hành chính, toàn bộ 100% CBCS còn lại đều được điều động ra mặt đường phân luồng, đảm bảo ATGT. “Trong những giờ cao điểm, người CSGT chìm giữa hằng hà sa số phương tiện để phân luồng là hình ảnh dễ thấy không chỉ của Đội CSGT số 3 mà đây cũng là thực trạng chung của các đơn vị khác” - Trung tá Lê Tú cho hay.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, trung bình một tháng có khoảng 20.000 phương tiện được đăng ký mới. Đó còn là chưa kể đến hơn 2.000 xe máy điện, môtô điện cũng được CSGT các quận, huyện và thị xã đăng ký trong chưa đầy 1 tháng qua. Với quân số hơn 1.300 CBCS và khoảng 6 triệu phương tiện hiện có trên địa bàn Thủ đô, trung bình mỗi CBCS của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đang “phụ trách” đảm bảo ATGT cho hơn 5.000 phương tiện. Chỉ cần một phép tính đơn giản như vậy cũng đủ thấy áp lực của chiến sỹ CSGT hiện vô cùng lớn.

Chỉ ra hàng loạt những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc, chỉ huy Phòng CSGT khẳng định, trong đó tốc độ gia tăng mạnh mẽ của phương tiện cá nhân cũng chiếm vai trò không nhỏ. “Chúng tôi gần như tung tất cả CBCS ra ngoài đường để đảm bảo ATGT. Nhiều CBCS làm việc bất kể ngày đêm, có thời điểm gần như 24/24h. Hiện một tháng mỗi CBCS chỉ được nghỉ 1 ngày. Nếu người dân tiếp tục sử dụng phương tiện cá nhân thay vì lựa chọn các phương tiện công cộng, thì CSGT khó có thể giải tỏa hết được các điểm, tuyến đường ùn ứ” - Đại tá Đào Vịnh Thắng bày tỏ.

 

Theo An ninh thủ đô

.