Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử ngày 11/1/2018, bị cáo Hoàng Tuấn Hải, trú tại Phước Đồng, Nha Trang bị truy tố cùng tội danh, nhưng Tòa áp dụng Khoản 1 Điều 190 BLHS 1999. Tại phiên tòa, theo đề nghị của đại diện VKS, Tòa án đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhằm đấu tranh, làm rõ, buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 789 vỏ sò CQĐT thu giữ mà Hải khai của người khác gửi, nhưng không chứng minh được ai đã gửi. Mặt khác, do tính chất của tội phạm là xâm phạm đến môi trường sinh thái, nên việc xác định hậu quả do hành vi gây ra cũng phải căn cứ vào những thiệt hại chủ yếu cho môi trường sinh thái. Mặc dù tại thời điểm phạm tội, hành vi xảy ra chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn và đây là loài động vật hoang dã (ĐVHD) thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm nên không thể định giá được.
Tuy nhiên, Tòa cho rằng, với số lượng tang vật trong vụ án rất lớn (4.383 xác cá thể rùa biển, 5.056 xác cá thể rùa biển khô, 3.855 vỏ trai tai tượng khổng lồ) và đều nằm trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, cực kỳ lớn, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái; ảnh hưởng xấu đến môi trường đất nước, con người Việt Nam trong công tác bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được các nước trên thế giới ưu tiên bảo vệ; gây nguy cơ tuyệt chủng một số loài động vật thủy sinh. Vì vậy, cần vận dụng Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN& PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 8/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS năm 1999 về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
|
|
Công an khám xét kho hàng của Hoàng Tuấn Hải. |
Trước đó, vào cuối năm 2014, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhiều nhà kho của Hoàng Tuấn Hải tại Phước Đồng, Nha Trang (sau khi được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) báo tin về đường dây thu gom, chế tác và buôn bán rùa biển trái phép), phát hiện 4.383 xác cá thể rùa, 5.056 kg xác cá thể rùa khô và 3.855 vỏ trai khổng lồ. Giám định của cơ quan chức năng xác định, trong số vật chứng thu giữ, có 3.855 vỏ trai tai tượng khổng lồ, 5 xác cá thể rùa biển Quảng Đồng (con Đú), số xác cá thể rùa còn lại thuộc hai nhóm Rùa Xanh (đồi mồi dứa) và đồi mồi.
Trao đổi với PV báo BVPL, đại diện ENV cho biết: Ở Việt Nam, tất cả 5 loài rùa biển nêu trên đều được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Việc đầu tư, kinh doanh các mẫu vật rùa biển cũng là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Theo quy định của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi săn, bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ sản phẩm/bộ phận của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù.
ENV cho rằng, đây là vụ án có số lượng rùa biển bị sát hại lớn nhất trong lịch sử, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Đại diện ENV nhấn mạnh, tại Việt Nam, số lượng rùa biển đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo nghiên cứu năm 2016 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) trong Chương trình Bảo tồn rùa biển tại Việt Nam, số lượng đồi mồi xuất hiện tại toàn bộ vùng biển Việt Nam còn rất ít, nếu không có những biện pháp tích cực ngăn cấm việc đánh bắt hay buôn bán chúng, rất có thể đồi mồi sẽ bị tuyệt chủng tại vùng biển Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, loài đồi mồi dứa chỉ còn khoảng 10 con lên đẻ mỗi năm tại một số bãi biển thuộc khu vực Bái Tử Long, bán đảo Sơn Trà và tỉnh Quảng Bình, trong đó, tại bán đảo Sơn Trà, đồi mồi dứa hoàn toàn không còn xuất hiện kể từ năm 2015. Hành vi săn bắt, chế tác, buôn bán trái phép gần 7.000 cá thể rùa biển của các đối tượng trong một thời gian dài đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của quốc gia và thế giới. Chính vì vậy, vụ việc nêu trên cần được xử lý nghiêm, phản ánh đúng tính chất nghiêm trọng của hành vi.
ENV đồng tình với quan điểm của HĐXX khi cho rằng, hành vi của bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 190 BLHS 1999, thay vì áp dụng khoản 1 điều này.
Nguyễn Huân