Hôm nay ngày xét xử thứ 6 (thứ 7 ngày 13/1/2018), TAND.TP HCM tiếp tục xét hỏi với các bị cáo, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của ngân hàng BIDV trong việc chấp thuận giải ngân cho 12 công ty do Phạm Công Danh lập ra với tổng số tiền là 4.700 tỷ đồng.
|
|
VKS đang xét hỏi các bị cáo và những người liên quan của BIDV |
Trước đó, trong ngày xét xử thứ 5 (12/1/2018), VKS đã đặt nhiều câu hỏi với các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, theo đó, yêu cầu HĐXX tiếp tục triệu tập những người không có mặt như Trần Lục Lang, Nguyễn Cao Minh, Võ Hải Nam… Chiều cùng ngày, để làm rõ nội dung theo trang 108 Cáo trạng số 83 của VKSNDTC, đại diện VKS đã lần lượt đặt nhiều câu hỏi cho những người liên quan của BIDV CN Gia Định, BIDV CN Nam Sài Gòn, CN Sở giao dịch 2 BIDV.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV Hội sở chính) gặp ông ông Đoàn Ánh Sáng, Phó Tổng Giám đốc đại diện BIDV đặt vấn đề về việc Danh giới thiệu sang BIDV cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD), trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV. Sau khi được lãnh đạo BIDV Hội sở chính đồng ý thống nhất với Danh về việc BIDV xem xét cho các khách hàng của VNCB có nhu cầu vay vốn để kinh doanh VLXD theo đề án chuỗi liên kết 4 nhà, Danh về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn Công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, Công ty cung cấp VLXD đầu vào trong số các Công ty do Phạm Công Danh thành lập; lập khống hồ sơ vay vốn, gồm: lập hồ sơ tài chính 2012, phương án vay vốn, các hợp đồng mua bán VLXD đầu vào - đầu ra… để nộp cho BIDV Hội sở chính và các Chi nhánh sẽ trực tiếp cho vay. Phạm Công Danh là người quyết định dùng tài sản đảm bảo gồm: 6 lô đất SVĐ Chi Lăng, Đà Nẵng; đất tại số 209 Trường Chinh, Phường An Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay và được BIDV chấp thuận giải ngân cho vay với tổng số tiền 4.700 tỷ đồng.
Sau đó, Danh giao cho Mai Hữu Khương lựa chọn các công ty để làm hồ sơ khống đi vay. Trả lời câu hỏi của đại diện VKS tại toà là vì sao lại chọn 12 công ty này, bị cáo Khương cho biết, Tập đoàn Thiên Thanh lúc đó có khoảng hơn 20 công ty nhưng chỉ còn lại 12 công ty này chưa vay vốn nên mới hợp thức hồ sơ. Sau khi hoàn tất hồ sơ, nhân viên phòng tài chính tập đoàn Thiên Thanh là bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang đã gọi 12 giám đốc (đều đang là nhân viên, lái xe, bảo vệ…) lên ký.
Theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã ký 12 văn bản gửi BIDV Hội sở chính về việc giới thiệu 12 công ty và được chuyển sang BIDV.
Nhận được hồ sơ, Ban khách hàng doanh nghiệp của Hội sở chính BIDV lập 12 tờ trình về việc phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với 12 khách hàng trên. Sau đó, 12 bộ hồ sơ này được chuyển sang Ban quản lý rủi ro tín dụng thẩm định theo quy trình (QLRR). Tờ trình về việc phê duyệt chủ trương cho vay được Ban QLRR chuyển đến ông Trần Lục Lang – Phó TGĐ phụ trách ký duyệt trình Uỷ ban quản lý rủi ro. Ban này không tổ chức họp mà lấy ý kiến sau đó được sự nhất trí cao, hồ sơ được chuyển đến ông Trần Bắc Hà – Trưởng Phân ban rủi ro ký chấp thuận chủ trương cho vay. Cùng ngày ông Trần Lục Lang – Phó TGĐ ký 12 công văn gửi 4 chi nhánh và Ban khách hàng Doanh nghiệp về việc giao các CN Bến Thành, Gia Định, Nam Sài Gòn và Sở giao dịch 2 với nội dung cơ bản là Hội sở chính chấp thuận chủ trương cho vay.
Trả lời tại phiên toà ngày 12/1/2018, tất cả những cán bộ của BIDV 4 CN trên đều khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định của BIDV. Nghĩa là sau khi nhận được các văn bản của Hội sở (văn bản đồng ý cho vay do ông Trần Lục Lang ký) về việc đồng ý cho vay thì các CN chỉ làm các bước tiếp theo để giải ngân. Nhưng vấn đề vì sao cả 4 CN đều không tiếp xúc khách hàng (là 12 công ty của Danh lập lên không có thực) thì tất cả đều chỉ thừa nhận đây là sai sót. Còn tất cả đã thực hiện theo đúng quy định nội bộ của BIDV.
Hoa Việt