Công bố chính thức của tỉnh Bình Thuận tại buổi họp báo chiều ngày 11/6, không có trường hợp nào bị tử vong như mạng xã hội đã thông tin.

Tuy nhiên, trong các ngày 10 và 11/6, nhiều trụ sở cơ quan nhà nước đã bị các đối tượng quá khích đập phá. Cổng trụ sở UBND  tỉnh Bình Thuận bị đẩy sập, gần hai chục ô tô của lực lượng chức năng đã bị đốt cháy.

Tại huyện Tuy Phong các đối tượng quá khích đã tràn vào trụ sở đội cảnh sát PCCC, dùng gậy gộc, đá đập phá các cửa kính, đốt cháy 8 ô tô. 

Tụ tập, quá khích tại các khu vực công cộng cũng gây tê liệt giao thông tại nhiều thời điểm, đặc biệt tại QL1, thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong vào chiều ngày 11/6.

leftcenterrightdel
Các đối tượng quá khích đốt xe trong trụ sở cơ quan Nhà nước. Ảnh: Lê Huân 

Tại buổi họp báo chiều 11/6, ông Huỳnh Thái Dương - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận thông tin, Bình Thuận là một trong những điểm “nóng” nhất trong hai ngày qua. "Việc người dân quá khích đập phá các cơ quan công quyền là không thể tin được trong thời bình, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng", ông Dương nhìn nhận.

Trả lời báo chí về diễn biến phức tạp diễn ra trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh nhận định, việc nhiều người dân tập trung đập phá cổng UBND tỉnh, ném đá làm vỡ kính, đốt ô tô, gây xô xát là hành vi quá khích của những đối tượng côn đồ. “Cử tri, nhân dân Bình Thuận có ý kiến về Luật Đặc khu thì cứ phản ánh. Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẵn sàng lắng nghe, xem xét. Việc thể hiện thái độ cần chuẩn mực, tỉnh táo, đừng để lòng yêu nước bị kẻ xấu xúi giục, kích động, có hành động không đúng”- ông Cảnh nói.

leftcenterrightdel
Hàng chục ô tô là tài sản công đã bị đốt cháy. Ảnh: BBT

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng: Quyền biển hiện chính kiến của người dân ở một số nước trên thế giới là chuyện bình thường nhưng phải nằm trong khuôn khổ, phạm vi cho phép và vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của quốc gia. Việc tham gia tuần hành, phản đối cũng phải nằm trong giới hạn của pháp luật cho phép, còn tình trạng một số người, nhóm người có hiện tượng mượn cớ tụ tập, tuần hành để kích động người dân đập phá tài sản công, chống lại người thi hành công vụ, gây ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội... ở một số nơi trong những ngày qua là đã vi phạm pháp luật", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Phá hủy tài sản công, chống người thi hành công vụ,.. là những hành vi mà nhiều đối tượng quá khích đã thực hiện tại Bình Thuận trong hai ngày 10 và 11/6. Ảnh: BBT

Ông Thịnh cũng cho rằng, việc tấn công lực lượng công an, đập phá trụ sở UBND, đốt xe... là những hành động không thể chấp nhận. Người dân cần hiểu biết cho đúng quyền lợi của mình để khi thể hiến chính kiến cũng phải hướng tới mục tiêu là có trách nhiệm với đất nước. Việc đập phá tài sản công là đã vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến tài sản của Nhà nước. Tài sản đó để phục vụ nhân dân, nên suy cho cùng đó cũng là tài sản của nhân dân.

Vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn đến tài sản công, đó chưa phải là những thiệt hại lớn nhất. Hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài chính là môi trường đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Erick Holf, một nhà đầu tư nước ngoài tại Phan Thiết bày tỏ sự e ngại trước các cuộc tụ tập gây rối, đập phá ở Bình Thuận trong mấy ngày vừa qua. “Tôi biết đó chỉ là một hiện tượng cá biệt, nhưng thành thực mà nói, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như chúng tôi rất nhạy cảm với những bất ổn, đặc biệt đó lại là những hành vi vô pháp, thiếu kiểm soát. Sự bất ổn rõ ràng sẽ gây ra tâm lý e ngại về khả năng xảy ra rủi ro”- ông Holf chia sẻ.

leftcenterrightdel
Xe của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ cũng bị đập phá chiều 11/6, tại thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: BBT. 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, doanh nhân trong một liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ, đối tác nước ngoài có những dao động nhất định sau những diễn biến tụ tập, quá khích tại Bình Thuận và Nha Trang, Khánh Hòa trong hai ngày qua. “Nhiều tuor du lịch đã phải hủy bỏ đột ngột hay đổi tuyến. Họ (nhà đầu tư nước ngoài) đã có những lo lắng, bận tâm thực sự. Họ hỏi tôi, liệu hoạt động kinh doanh lâu dài có thể bảo đảm”- Ông Tuấn băn khoăn!.

Ở góc độ này, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những hành động quá khích, gây rối an ninh trật tự xảy ra gần đây dù vô tình cũng sẽ làm giảm lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm thấy bất an và tất nhiên họ sẽ giảm đầu tư vào Việt Nam. Chí ít, sức hút đầu tư của Việt  nam sẽ bị.. mất “điểm”.

“Người dân cần hiểu biết đầy đủ hơn về quyền cũng như cách thức biểu đạt chính kiến với cơ quan lập pháp, hành pháp về các dự thảo luật đang được lấy ý kiến rộng rãi. Thực tế cho thấy, những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ lắng nghe nên đã có thông báo lùi thời hạn thông qua Dự thảo Luật Đặc khu trước đó. Do đó, người dân cần tỉnh táo, tránh bị xúi giục, kích động từ các phần tử xấu, gây tổn hại trước tiên là tới bản thân, gia đình và tổn hại tới lợi ích chung của cộng đồng, của quốc gia”, ông Thịnh nói.

Phóng viên - CTV