Phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật

Trình bày Tờ trình về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ, mục đích của việc tổ chức lấy kiến Nhân dân là phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 13/12. (Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân)

Cùng với đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật. 

Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân sẽ được thực hiện qua các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật; các hình thức khác phù hợp. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023.

Báo cáo một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Luật Đất đai là đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Việc lấy ý kiến Nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5/2023).

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Về thời gian lấy ý kiến Nhân dân (Điều 5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành như quy định trong dự thảo Nghị quyết (bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 28/2/2023). Loại ý kiến thứ hai cho rằng, thời gian lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 3/1- 28/2/2023 trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023 nên việc lấy ý kiến Nhân dân có thể gặp khó khăn, do đó, đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến Nhân dân đến hết ngày 15/3/2023.

Để bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án Luật cũng như quy trình thẩm định, thẩm tra dự án Luật, các ý kiến này cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án Luật vào thời điểm sau ngày 20/4/2023. "100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này", ông Vũ Hồng Thanh nói. 

Kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 15/3/2023

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí chủ trương lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Về một số nội dung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nên kéo dài thời gian lấy ý kiến Nhân dân đến ngày 15/3/2023 hoặc thậm chí là hết tháng 3/2023 bởi đây là dự án Luật rất quan trọng, có tác động lớn đối với Nhân dân.

leftcenterrightdel
 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Về nguyên tắc, tháng 5/2023 mới bắt đầu Kỳ họp của Quốc hội và tháng 10/2023 mới thông qua dự thảo Luật, do đó còn có thời gian để tổ chức lấy ý kiến Nhân dân kỹ lưỡng hơn. Mặt khác, thời gian lấy ý kiến Nhân dân trùng với thời điểm Tết cổ truyền của dân tộc nên nếu chỉ giới hạn như đề xuất của Chính phủ thì việc tổ chức thực hiện cũng sẽ rất gấp gáp.  

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết hiện mới đề cập đến mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian và trách nhiệm tổ chức để lấy ý kiến. Đề nghị dự thảo Nghị quyết có một điều quy định về kết quả lấy ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội cũng lưu ý, kết quả này cần gửi cả về Quốc hội để chủ động nắm thông tin và xem xét trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cần có cách làm, phương án cụ thể để triển khai lấy ý kiến Nhân dân và nên kéo dài thời gian đến ngày 15/3/2023, thậm chí kéo dài hơn để đủ thời lượng nghiên cứu và thẩm thấu dự án Luật sao cho thấu đáo. Ngoài ra, sau khi xin ý kiến phải tổng hợp từ nhiều kênh để bảo đảm tính trung thực, khách quan và có cơ chế phản hồi minh bạch.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình. Đối với thời gian lấy ý kiến, thống nhất kéo dài đến hết ngày 15/3/2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính khả thi của Luật khi áp dụng. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung yêu cầu đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, công khai, minh bạch, tránh triển khai một cách hình thức, bảo đảm phát huy vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức chính trị các cấp tham gia hoàn thiện dự thảo Luật.

leftcenterrightdel
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

P.V