leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Theo nội dung kháng nghị, vào các ngày đầu tháng 5/2019, 3 đối tượng Cù Ngọc Út, Trần Văn Phương và Y Con Liêng, cùng trú tại huyện Lắk mua của các hộ dân trên địa bàn huyện 9 cây gỗ giáng hương (nhóm IIA, tổng khối lượng 5,243m3 với giá trị định giá là 82 triệu đồng) rồi thuê người đào, cắt tỉa để bán cho những người trồng làm cây cảnh. 

Trong quá trình khai thác, Cù Ngọc Út và Trần Văn Phương biết được các cây gỗ này nằm trên đất rẫy không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cần phải làm hồ sơ để hợp thức hóa nguồn gốc (bằng cách sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lập 2 bộ hồ sơ rồi kê khai toàn bộ 9 cây gỗ Giáng hương trên vào 2 bộ hồ sơ này, nhằm hợp thức hóa từ cây gỗ có nguồn gốc trái phép thành cây gỗ có nguồn gốc hợp pháp). 

Thực hiện ý định trên, Út và Phương gặp Y Nhất Bkrông là Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao, huyện Lắk (phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản) nhờ ký xác nhận. Tuy nhiên, do hồ sơ bị tẩy xóa và chưa có chữ ký của người mua gỗ nên Y Nhất không đồng ý.

Thấy vậy, các đối tượng “quay sang” nhờ Y Nhất hướng dẫn thủ tục, giúp làm hồ sơ xác nhận, đồng thời hứa hẹn sẽ gửi tiền bồi dưỡng (không nói cụ thể số tiền là bao nhiêu) và Y Nhất nói “để xem lại”. Sau đó, khi các đối tượng tiếp tục gọi điện thoại “tác động” và đặt vấn đề gửi tiền bồi dưỡng thì Y Nhất đồng ý.

Quá trình “giúp đỡ”, Y Nhất lấy thông tin cần thiết, trực tiếp soạn thảo đơn xin xác nhận, bảng kê lâm sản rồi liên hệ Buôn trưởng, Buôn phó của các Buôn có cây gỗ và người liên quan để ký xác nhận hồ sơ “hợp thức hóa” nguồn gốc 9 cây gỗ Giáng hương theo “yêu cầu” của Út và Phương. Sau khi hoàn thiện thủ tục, Y Nhất nhận từ các đối tượng 9 triệu đồng rồi sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân.

Bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Lắk áp dụng điểm a khoản 1 Điều 354; điểm s,v khoản 1, khoản 2 Điều 51, 54 BLHS tuyên phạt Y Nhất BKrông 1,5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Ngoài ra, bản án còn quyết định tội danh và hình phạt đối với Cù Ngọc Út, Trần Văn Phương và Y Con Liêng. Tuy nhiên, sau đó TAND tỉnh Đắk Lắk chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt Y Nhất BKrông 1,5 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Xét thấy, TAND tỉnh Đắk Lắk cho Y Nhất hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, bởi Y Nhất là Phó Chủ tịch UBND xã nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để lập 2 bộ hồ sơ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các cây gỗ theo “sự nhờ vả” để nhận 9 triệu đồng, đây là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi. TAND huyện Lắk đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và Điều 54 BLHS tuyên phạt Y Nhất mức án thấp nhất của khung, là đã xem xét toàn diện tính chất, hậu quả của vụ án.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Đắk Lắk đã quá nhấn mạnh đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của Phó Chủ tịch UBND xã từ đó tuyên phạt Y Nhất được hưởng án treo là không đánh giá đúng tính chất, mức độ, hậu quả, hành vi phạm tội do Y Nhất gây ra, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung, không đáp ứng được yêu cầu cả công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, vi phạm khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá trên, ngày 19/5/2021, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận đề nghị của VKSND tỉnh Đắk Lắk, quyết định kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk về phần hình phạt đối với Y Nhất, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Lắk về phần hình phạt đối với bị cáo Y Nhất (không cho hưởng án treo)./.

Hoàng Cầu – Trường Lưu