Toàn dân đồng lòng sẽ chiến thắng

Chỉ trong 3 ngày từ 6-8/3, Việt Nam xác định thêm 14 ca nhiễm Covid-19, trong đó, có trường hợp lây nhiễm thứ phát. Đến thời điểm hiện tại, nâng tổng số ca bệnh Covid-19 lên 30. Thời điểm này, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 gây ra đã lan rộng ra hơn 100 Quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự đồng lòng và tin tưởng của người dân vào khả năng điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay lãnh đạo TP Hà Nội cùng các cấp chính quyền cần được nâng lên. Vì ai cũng hiểu, “cuộc chiến" phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ thành công nhờ sự đồng hành và niềm tin của mỗi người dân tiếp sức.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) vào hôm qua (8/3), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và nhất định chúng ta phải chiến thắng cả cuộc chiến này.

Thực tế, từ hơn hai ngày nay, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn hai khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Virus Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta, “đang âm thầm mai phục”. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần tiếp tục thực hiện thật tốt công tác điều trị, bảo đảm bất cứ ai bị nhiễm Covid-19 cũng được chữa khỏi, thì “dù có nhiều ca nhiễm, dù virus Covid-19 có đáng sợ như thế nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng.

Xây dựng niềm tin

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã phát huy hiệu quả.

leftcenterrightdel
 8 chốt kiểm soát tại xã Sơn Lôi.

Thực tế, ở xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) được xem là “tâm dịch” Covid-19. Thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa cách ly, không để xuất hiện thêm ca nhiễm mới, Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 12/2/2020 về việc khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch bệnh tại xã Sơn Lôi.

Trong thời gian 20 ngày cách ly, thời gian đầu một số người dân vẫn lo lắng, có người cảm thấy buồn vì bị kỳ thị nhưng nhờ những nỗ lực của các cơ quan chức năng đã khiến người dân an lòng. Kiểm soát tốt, 20 ngày Sơn Lôi không có thêm ca nhiễm mới? Kết quả này là sự phối hợp khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh một cách tối đa.

Tuy nhiên, từ đêm 6/3, người dân Hà Nội hoang mang, lo lắng khi xuất hiện trường hợp đầu tiên của Thủ đô dương tính với Covid-19. Ngay trong đêm, người dân đã đổ xô đi mua thức ăn, nhiều gia đình ở phường Trúc Bạch di chuyển đến nơi ở khác…..

leftcenterrightdel
 Bí thư Vương Đình Huệ khuyên người dân không nên tích trữ đồ quá nhiều. (Ảnh: Hương Ngô)
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, sáng 7/3, trong cuộc họp đột xuất của UBND TP Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết đã trao đổi với lãnh đạo hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn và vị này cam kết đảm bảo đủ hàng hoá cung cấp cho người dân. Ngoài hệ thống siêu thị, TP có các kênh khác đủ tiềm lực đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân, không ai phải mua tích trữ.

"Nếu mua sắm đông mà không thực hiện các biện pháp an toàn đầy đủ có thể là nguy cơ lây nhiễm bệnh. Người dân lo lắng là đúng nhưng phải thể hiện bằng hành động thực tế như bảo vệ sức khoẻ gia đình mình, thông tin đến nhà chức trách tình hình sức khỏe nếu có dấu hiệu bất thường..." - Bí thư khuyến cáo.

Lo lắng thiếu nhu yếu phẩm của người dân nhanh chóng “dập tắt” khi chỉ sau một ngày, thực phẩm đã được cung ứng đầy đủ. “Thật may mắn, chợ hay siêu thị đã đầy đủ rau củ quả, gia đình không còn phải lo nhịn đói vì người dân chen chúc nhau mua hết để dự trữ” - anh Mạnh Hùng (ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng) cho hay.

Và đúng như người dân mong đợi, thức ăn được cung cấp đầy đủ, đó là câu trả lời thực tế nhất cho khả năng cung ứng nguồn thực phẩm dồi dào của TP, khiến việc tích trữ thực phẩm của nhiều người dân trở nên vô nghĩa và thừa thãi.

Có thể thấy, các cấp, các ngành đã lường trước được và chuẩn bị phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội đã không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong phòng bệnh.

Trong vòng 9 giờ đồng hồ (từ khi ca nhiễm đầu tiên được công bố vào đêm 6/3 - PV), TP xác định được những người tiếp xúc với bệnh nhân… TP đã quyết liệt, phản ứng nhanh trong việc khoanh vùng các trường hợp này nên cơ bản TP đã rà soát, nắm được danh tính những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Những giờ qua, thực hiện đúng nguyên tắc trong phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội thông tin công khai, minh bạch đến người dân về diễn biến, tình hình các ca nhiễm bệnh cũng như tuyên truyền giúp người dân có đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết để phòng, chống dịch. Các đơn vị trên địa bàn đã chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ đúng theo chỉ đạo của Trung ương, xác minh làm rõ tất cả các trường hợp tiếp xúc với 4 ca dương tính với Covid-19.

Qua đó, có thể thấy được chính sự nỗ lực của các cấp chính quyền đã giúp người dân tin tưởng vào những biện pháp chống dịch, từ đó không còn hoang mang, lo sợ.

Thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân

Thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 chỉ để câu view. Đơn cử gần đây nhất, sau khi Hà Nội thông báo ca đầu tiên dương tính với Covid-19, cư dân mạng đã nhanh chóng chia sẻ thông tin bệnh nhân N.H.N tham dự sự kiện khai trương cửa hàng Uniqlo Phạm Ngọc Thạch ở Hà Nội.

Tuy nhiên sau đó, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ khẳng định, bệnh nhân N.H.N được nhập viện cách ly từ tối 5/3 trong khi Uniqlo khai trương ngày 6/3 và danh sách khách mời cũng không có tên bệnh nhân N. Và người nhầm lẫn với bệnh nhân N. chính là người có tên Trần Hồng H.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân N.H.N
Những tin giả, tin câu view, tin sai lệch không được kiểm chứng, thiếu chính xác… đã làm nhiễu loạn thông tin gây hoang mang dư luận. Chính những thông tin như vậy đã khiến người dân tự biến mình thành bệnh nhân hoặc tạo nguy cơ lây truyền dịch bệnh khi len vào đám đông mà trong đó có thể có người mang virus mà chưa được phát hiện.

Như tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017 đã quy định rõ, phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn dân, của mỗi cá nhân.

Không hoảng loạn, mất bình tĩnh; không lan truyền thông tin bịa đặt; Không ồ ạt mua đồ dự trữ, không tự ý di chuyển khỏi nơi cư trú là những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất mà mỗi người dân có thể làm để đánh “giặc” trong giai đoạn hiện nay.

Lưu Ly