Bộ Công an sẽ tập trung điều tra hoạt động thoái vốn của CNS tại Công ty cổ phần Điện tử Sài Gòn (Sagel) và Công ty cổ phần TIE. Đây là các doanh nghiệp tên tuổi, sở hữu nhiều lô đất vàng tại TPHCM rộng hàng chục nghìn m2 trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, các lô đất này đều đã “biến mất” trong khi bản thân Sagel, TIE thì kinh doanh ngày càng yếu kém.

Cụ thể, cuối năm 2018, CNS đã bị phát hiện bán toàn bộ 51% cổ phần tại Sagel qua Novaland với giá vỏn vẹn gần 21 tỷ đồng. Trong khi Sagel sở hữu lô đất 119 Phổ Quang rộng hơn 1,5ha ngay trung tâm quận Phú Nhuận gần với Sân bay Tân Sơn Nhất. Lô đất này được ước tính trị giá hơn 3.000 tỷ đồng tại thời điểm 2017. Không chỉ lô đất trên, Sagel còn sở hữu thêm nhiều lô đắc địa khác nên mức giá 21 tỷ đồng khiến nhiều người choáng ngợp và không tin nổi trước sự việc.

Tương tự, CNS cũng đã thoái vốn tại TIE, trong khi doanh nghiệp này đang là chủ sở hữu của nhiều lô "đất vàng" nằm tại khu vực trung tâm thành phố. Sự việc vỡ lỡ, tháng 1/2019 UBND TPHCM đã ra quyết định tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đối với tất cả giao dịch tại đây.

Ngoài ra, còn có 2 lô đất vàng khác là 181 Điện Biên Phủ (Quận 1, TPHCM) và 200 Võ Văn Tần (Quận 3, TPHCM) được CNS sử dụng để góp vốn cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoa Mai. CNS là tổng công ty 100% vốn nhà nước và việc đầu tư ngoài ngành này cần được thanh tra lại.

Được biết, Tổng giám đốc CNS hiện tại là ông Chu Tiến Dũng được bổ nhiệm từ năm 2014. Và tất cả các giao dịch thoái vốn, bán tài sản hàng nghìn tỷ đồng nêu trên chỉ diễn ra trong vài năm ông Dũng quản lý.

Sự việc vỡ lỡ, tháng 1/2019, UBND TP.HCM đã quyết định tạm ngừng giao dịch, chuyển nhượng đối với một số lô đất có nguồn gốc là tài sản của CNS do thoái vốn. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn đang “chìm xuồng” khi đơn vị thanh tra CNS chính là Thanh tra của UBND TPHCM, mà UBND TPHCM lại là “mẹ” của CNS với tỷ lệ sở hữu 100%.

P.V