Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đường Dương thành lập ngày 6/2/2015, chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, buôn bán tổng hợp, vận tải, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, cho thuê xe có động cơ… Đến thời điểm cơ quan chức năng khởi tố hai vợ chồng Đường Dương, doanh nghiệp  (DN) vẫn hiển thị trạng thái “đang hoạt động”. Là DN có tiếng ở Thái Bình nhưng trong 5 năm hoạt động nhưng Công ty TNHH Đường Dương luôn báo cáo thua lỗ.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Chi Cục trưởng Chi Cục thuế TP Thái Bình - Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho hay, nhiều năm liền Công ty của vợ chồng Đường “Nhuệ” khai báo doanh số bằng 0 và không phát sinh thuế phải nộp, dù những lĩnh vực hoạt động đã giúp cho Công ty này nổi tiếng và kiếm lời hàng tỉ đồng là bất động sản. Vợ chồng Đường Dương thường khoe trên mạng xã hội về việc thu được số tiền lớn từ kinh doanh.

Việc đấu giá, kinh doanh đất đều được Công ty TNHH Đường Dương thực hiện theo tư cách cá nhân của bà Dương, ông Đường hoặc đàn em nhưng rất khó để kiểm soát và quản lý. Sau những lần khai báo thuế của Công ty TNHH Đường Dương, cơ quan thuế cũng đã mời lên làm việc nhưng DN vẫn khai báo kinh doanh không có lợi nhuận. “Nếu họ trốn thuế sẽ bị xử lý ngay. Họ còn khai không phát sinh số thuế phải nộp nên không có nợ đọng - tức có kê khai thuế nhưng doanh số bằng 0 nên không phải nộp thuế”, vị lãnh đạo Chi Cục thuế nói.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng Đường "Nhuệ".

Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trước khi vợ chồng Đường “Nhuệ” bị bắt và khởi tố, mạng xã hội rầm rộ về Công ty Đường Dương là DN bất động sản lớn, thu nhập cao, những bức ảnh “núi tiền” cùng thương hiệu đại gia bất động sản (sếp tiền cao ngất trên bàn), đi xe sang (siêu xe vài chục tỉ đồng), nhà ở (trụ sở công ty ngay mặt phố nguy nga), nhiều hoạt động từ thiện “tầm cỡ,-  có “trái tim bồ tát”, yêu thương người nghèo... thì không ai nghĩ rằng công ty này lại có thu nhập 0 đồng. 

Tuy nhiên, thông tin về DN kê khai là không có thu nhập, không nộp thuế cho Nhà nước khiến nhiều người hết sức bất ngờ. Có lẽ việc không nộp thuế cho Nhà nước cùng với việc ăn chặn tiền hỏa táng, đòi nợ thuê, đánh người không ghê tay, “thao túng” hoạt động đấu giá đất kiếm hàng trăm tỉ đồng cho thấy sự tham lam, giả dối đáng bị lên án và các đối tượng trong công ty này phải chịu sự trừng phạt bằng pháp luật.

Với diễn biến thông tin vụ việc mà dư luận công khai những ngày gần đây thì ngoài các tội danh mà nhóm đối tượng này có thể bị xem xét xử lý như: Cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, các hành vi liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu giá bất động sản thì hành vi kê khai thuế doanh nghiệp 0 đồng để không phải nộp thuế có dấu hiệu của tội trốn thuế.

leftcenterrightdel
 Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định tại Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội trốn thuế có thể áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại khi có thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.

Mức hình phạt về hành vi trốn thuế có thể áp dụng đối với cá nhân lên đến 7 năm tù và áp dụng chế tài phạt tiền đối với pháp nhân và các biện pháp hành chính.

leftcenterrightdel
 Luôn "khoe" tiền trên mạng xã hội. Ảnh: FBNV

Luật sư Cường cho rằng, cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với cơ quan thuế ở địa phương này để xác định hồ sơ kê khai đăng ký thuế và việc nộp thuế của Công ty Đường Dương trong thời gian qua như thế nào.

Nếu căn cứ cho thấy công ty này đã thực hiện một trong các hành vi như không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ kê khai thuế, nộp hồ sơ kê khai thuế không đúng thời hạn theo quy định pháp luật, không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền phải nộp thuế; không suất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, khai sai so với thực tế hàng hóa... mà trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng mà đã bị xử phạt hành chính thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả cá nhân người đứng đầu, người quản lý thuế của DN này và đối với cả pháp nhân là DN này theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự nêu trên.

Điều 200. Tội trốn thuế

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn.

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn.

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan.

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa.

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:

a) Có tổ chức.

b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

d) Phạm tội 2 lần trở lên.

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

 

Lưu Ly