Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký Quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển Đại úy Nguyễn Văn Lâm  (SN 1985, Công an xã Cự Khê) về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện.

Trước đó, trên mạng xã hội đã lan truyền một video ghi lại cảnh nam thanh niên mặc quần cảnh sát, áo chống nắng, đội mũ bảo hiểm, có mặt tại hiện trường nhưng thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không tham gia hỗ trợ tài xế taxi đang vật lộn với tên cướp.

Về việc này, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai xác minh, xác định nam thanh niên đó là Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 1985, cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Chiều ngày 17/5/2021, Giám đốc Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai xử lý nghiêm theo đúng quy định.

leftcenterrightdel
 Đại úy Nguyễn Văn Lâm gọi điện thoại nhờ chi viện để mặc nạn nhân vật lộn với tên cướp. 

Đại úy Nguyễn Văn Lâm được xác định chính là nam thanh niên mặc quần cảnh sát, áo chống nắng, đội mũ bảo hiểm, có mặt tại hiện trường nhưng thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không tham gia hỗ trợ nạn nhân khống chế đối tượng.

Vào khoảng 14h30 ngày 16/5/2021, đối tượng Đặng Phạm Sáu (sinh năm 1970, bản Na Meo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), bắt taxi hãng G7, biển kiểm soát 30A-388.54, do anh Nguyễn Trần Minh (sinh năm 1976, quận Long Biên) điều khiển, đi từ khu vực cầu Chương Dương về phía huyện Thanh Oai, mục đích về Thanh Hóa.

Đến 16h00 cùng ngày, khi đi đến đoạn đường Cenco 5, thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, do nghi ngờ Sáu không có tiền trả, nên anh Minh dừng xe không đồng ý đi nữa.

Đồng thời anh Minh gọi điện thoại cho vợ nói về việc đang chở khách nhưng khách không có tiền trả, rồi gửi định vị xe cho vợ. Bất ngờ, đối tượng Sáu dùng dao mang theo (dạng dao bầu) đâm vào vùng ngực trái anh Minh.

Bị đâm bất ngờ vào chỗ hiểm, nhưng anh Minh vẫn giằng co, vật lộn với Sáu. Vừa vật lộn, giằng co với đối tượng, anh Minh vừa hô hoán bị cướp nên đã được người dân hỗ trợ khống chế đối tượng, sau đó báo cho Công an xã Cự Khê đưa đối tượng về trụ sở để điều tra làm rõ.

Tại cơ quan Công an, bước đầu đối tượng Sáu khai nhận, do đang bị Công an tỉnh Thanh Hóa truy nã về tội Giết người, Sáu nghi ngờ anh Minh sẽ báo Công an bắt mình nên đã rút dao đâm anh.

leftcenterrightdel
 Trung tá Đào Trung Hiếu. 

Khi xem những diễn biến của vụ việc qua clip người dân ghi lại, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) thấy rất không hài lòng vì Đại uý Lâm đã không làm việc cần phải làm của người chiến sĩ công an trong tình huống khẩn cấp đó.

Theo tôi, tình huống tên cướp bị chính nạn nhân đã bị thương cố gắng bắt giữ, nhưng Đại uý Lâm chỉ đứng nhìn và bấm điện thoại, không hề tham gia hỗ trợ người dân bắt tội phạm, đó thực sự là một hành động vô cùng phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân.

Dư luận có quyền đánh giá rằng, chiến sĩ đó  đã bàng quan, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc và xứng đáng với hình thức kỷ luật loại ngũ.

Bên cạnh rất nhiều tấm gương cán bộ chiến sĩ công an dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, quả cảm đối diện với hiểm nguy để bảo vệ nhân dân, thì hành động tại hiện trường của Đại uý Lâm khiến chính anh em trong lực lượng công an cũng cảm thấy bức xúc, khó chấp nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp hy hữu.

Cũng theo Trung tá Đào Trung Hiếu, có thể thấy, Đại uý Lâm đã xử lý tình huống rất thiếu chuyên nghiệp, vì đó là trường hợp khẩn cấp, nạn nhân đã bị thương, đang cố gắng vật lộn để bắt giữ đối tượng, sự hỗ trợ từ bên ngoài lúc đó là vô cùng cần thiết.

Với trách nhiệm công vụ, lẽ ra Đại uý Lâm phải ngay lập tức xông vào hỗ trợ đánh bắt, khống chế đối tượng. Nếu khó khăn, có thể kêu gọi người đi đường tham gia giúp sức khoá trói tên tội phạm. Sau khi khống chế thành công mới gọi điện cho đơn vị cử người ra tiếp nhận.

Đằng này, Đại uý Lâm đã không có những thao tác cần thiết, thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, lúng túng, bị động, không mưu trí, dũng cảm trong giải quyết công việc.

 Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, Công an phải là hiệp sĩ bảo vệ người dân. Trong tình huống người dân đang bị uy hiếp nghiêm trọng về sự an toàn tính mạng, sức khoẻ, người chiến sĩ công an không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc dũng cảm đối diện với tội phạm với tâm thế sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu dân ra khỏi hiểm nguy.

Bằng nghiệp vụ và võ thuật đã được trang bị, người lính phải tính toán rất nhanh phương án tiếp cận, đánh bắt để giải quyết tình huống.

Không có chỗ cho sự nhút nhát, sợ hãi, chần chừ hay trốn tránh trách nhiệm lúc này. Đã làm nghề này, phải chấp nhận tất cả vì nhiệm vụ. Còn sợ thì hãy xin ra khỏi ngành.

Vũ Phương