Nguồn tin từ VKSND TP Hồ Chí Minh cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 11 bị can để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 BLHS.

Các đối tượng bị khởi tố, gồm: Nguyễn Mạnh Hải (30 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa), Giám đốc Công ty thu hồi nợ Tiếng Nói Hay; Vũ Ngọc Minh Khánh (28 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) trưởng nhóm; Nguyễn Thị Thùy Vân (28 tuổi, ngụ quận 7); Trần Thị Mai (27 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) là quản lý của khoảng 21 app cho vay. Ngoài ra còn nhân viên các công ty như Công ty Golden, Công ty Bamboo… quản lý các app cho vay trên mạng.

leftcenterrightdel
 Bị can Nguyễn Mạnh Hải.

Theo điều tra ban đầu, Mạnh Hải là Giám đốc Công ty Tiếng Nói Hay, đồng thời cũng được xác định được chủ là người Trung Quốc thuê mướn điều hành; nhân viên có Khánh và Vân. Khánh quản lý 10 nhân viên chuyên thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ khách vay trễ hạn trong vòng 15 ngày.

Nhóm này sẽ nhắn tin, gọi điện cho khách vay, người thân của họ để đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm mục đích để khách vay và người thân trả tiền cho công ty.

Hàng ngày, mỗi thành viên nhận khoảng 10 hồ sơ khách vay trễ hạn để thực hiện việc thu hồi nợ và được hưởng lợi 50.000 đồng/3 hồ sơ đầu tiên và 50.000 đồng cho mỗi hồ sơ tất toán tiếp theo. Đòi nợ sẽ tính chỉ tiêu (gọi là KPI) và sẽ được công ty thưởng từ 3 đến 3,5 triệu đồng khi đạt KPI.

Để thực hiện việc đòi nợ, Hải cấp điện thoại, sim và mẫu tin nhắn để các thành viên trong nhóm sử dụng đe dọa khách vay và người thân...

leftcenterrightdel
Nhóm đối tượng bị bắt giữ.

Công an xác định Trần Thị Mai, nhân viên Công ty Golden quản lý tổng cộng khoảng 21 app cho vay. Mai điều hành tất cả các nhân viên của các app này. Hàng ngày, các nhân viên sẽ được hướng dẫn cách thức đòi tiền và được trả lương kèm theo phụ cấp là tiền thưởng, tiền trách nhiệm.

Mỗi app vay sẽ tạo một nhóm trên mạng xã hội để điều hành và chia cấp từ S0 (nhân viên mới) đến S2 là nhân viên đòi nợ có thâm niên từ 8 đến 30 ngày.

Trường hợp khách hàng không trả, nhóm này cũng nhắn tin, đe dọa sẽ ghép ảnh vợ con của người vay đăng lên trang mạng làm gái, ghép hình thờ, đăng lên mạng xã hội, dán vào cột điện…

Các app vay sẽ có ba cấp độ khi đòi nợ. Từ cấp một là nhắn tin đe dọa, uy hiếp tinh thần người vay tiền cho đến cấp độ ba là khủng bố người thân bằng cách cắt ghép hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội.

Bộ phận đòi nợ chỉ tiêu một ngày phải gọi từ 300 cuộc gọi trở lên. Đòi nợ không hiệu quả, các app vay sẽ bán nợ cho các công ty luật núp bóng, công ty mua bán nợ để tiếp tục đòi nợ bằng các thủ đoạn gọi điện khủng bố, đe dọa người thân, ghép ảnh vu khống nhằm bôi xấu, hạ thấp uy tín danh dự người vay và người thân.

“Thực tế, người đứng đầu, chủ các app cho vay thông thường là người nước ngoài; tạo nhiều app cho vay. Thuê người Việt Nam làm giám đốc điều hành”, một cán bộ điều tra cho biết.

Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM và Cục C02; các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Cần Thơ xác minh thu thập tài liệu, xác định hơn 32 app cho vay tiền online./.

Phi Sơn - Đại Lánh