Câu kết làm và vận chuyển giấy tờ giả
VKSND thành phố Thái Bình vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” xảy ra trên địa bàn thành phố Thái Bình và một số địa phương khác.
Các bị can gồm: Nguyễn Sơn Thành (SN 1991, trú tại thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định); Hoàng Thái Tuấn (SN 1999, trú tại phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh); Lê Bảo Tín (SN 1997, trú tại phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh); Vũ Thanh Sang (SN 1994, trú tại phường 12, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh); Phạm Trung Thành (SN 1983, trú tại xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư).
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi làm việc và nơi ở của các đối tượng, cơ quan tố tụng thu giữ 2 máy tính xách tay; 7 điện thoại di động; 2 máy in màu; 18 con dấu cùng nhiều giấy tờ, văn bằng, tài liệu giả của cơ quan Nhà nước.
Quá trình đấu tranh, cơ quan Công an xác định, đường dây này hoạt động từ tháng 8/2022, do Nguyễn Sơn Thành cầm đầu. Nhóm đối tượng đăng bình luận ở các bài viết trên mạng xã hội, chạy quảng cáo trên nền tảng trực tuyến nhận làm bằng cấp, các loại giấy tờ giả bằng các quảng cáo không cần thi cũng đỗ, cam kết phôi thật, bằng thật… đánh vào tâm lý nhiều người có nhu cầu đi du học, xuất khẩu lao động nhưng thiếu bằng cấp hay chứng chỉ nghề không đủ điều kiện.
Để vận chuyển giấy tờ giả cho các cá nhân đặt hàng, Nguyễn Sơn Thành câu kết với Lê Bảo Tín là quản lý bưu cục thuộc Công ty chuyển phát nhanh J&T có địa chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh chuyển các giấy tờ giả dưới tên sản phẩm là tranh thổ cẩm, tranh đính đá, sim thẻ … và chọn hình thức thanh toán chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Để đối phó với lực lượng chức năng, Thành thống nhất với Tín, nếu các đơn hàng bị chuyển hoàn về thì Tín sẽ hủy toàn bộ các đơn hàng.
12 đối tượng làm giả giấy tờ với thời gian “thần tốc”
VKSND tỉnh Nam Định đang tiến hành giai đoạn truy tố vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc cuối năm 2022.
Trước đó, kết thúc quá trình điều tra giai đoạn 1 của vụ án này, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 12 bị can, thu giữ 600 kg phương tiện, hồ sơ, tài liệu gồm: 5.000 con dấu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; 9.000 tài liệu giả…
Theo nội dung kết luận điều tra, đây là đường dây tội phạm hoạt động rất tinh vi. Mỗi đối tượng trong đó được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, các đối tượng cùng trong đường dây nhưng không biết mặt nhau, không biết tên chính xác của đối phương… Các đối tượng trong đường dây không thường trú tại tỉnh Nam Định mà ở tại các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai…
|
|
Bằng giả bị cơ quan chức năng thu giữ.
|
Mọi giao dịch làm, sản xuất tài liệu, con dấu giả thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Các đối tượng nhận làm tất cả mọi loại giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ khác... theo đúng nhu cầu của khách hàng với thời gian “thần tốc”. Từ hồ sơ, bằng cấp về học hàm, học vị; giấy phép lái xe đến giấy đăng ký kết hôn, giấy ly hôn, sổ hồng, sổ tiết kiệm... Hình thức giao nhận giấy tờ giả thông qua dịch vụ chuyển hàng và thu tiền hộ với giá tiền từ 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng một bộ hồ sơ giả…
Chỉ một thời gian ngắn, các đối tượng trong đường dây đã móc nối với nhau làm giả rất nhiều con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và bán cho người có nhu cầu trong toàn quốc, thu lợi bất chính số tiền lớn.
Cơ quan tố tụng nhận định, đối tượng cầm đầu Trịnh Văn Văn, SN 1983, trú tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có 3 tiền án và đang trốn truy nã về tội "Đánh bạc".
Tại Cơ quan An ninh điều tra, Trịnh Văn Văn khai nhận, nắm bắt nhu cầu cần làm giấy tờ, bằng cấp giả để xin việc của nhiều người nên anh ta đã câu kết với nhiều đối tượng ở các tỉnh phía Nam để tổ chức đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
|
|
Công cụ làm bằng giả của các đối tượng.
|
Để che giấu, qua mặt các cơ quan chức năng, Văn sử dụng các giấy tờ giả như CMND với các tên gọi khác nhau, sử dụng nhiều số điện thoại để tiếp cận, móc nối, chỉ đạo, điều hành các đối tượng trong đường dây tội phạm.
Nhằm dễ dàng cắt đứt các "mắt xích" nếu bị tóm mà không sợ bị truy vết, Văn cũng phân chia đường dây làm giả thành nhiều nhóm có vị trí, vai trò, nhiệm vụ khác nhau, như: “Nhóm cộng tác viên”, “Nhóm thiết kế”, “Nhóm sản xuất”, “Nhóm vận chuyển”. Thành viên ở các nhóm, các phần việc khác nhau đều không quen biết nhau, không biết tên của nhau.
Quá trình đấu tranh, các đối tượng trong đường dây khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã móc nối, sản xuất, tiêu thụ khoảng hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cho những người có nhu cầu trong cả nước, trong đó có nhiều người đang cư trú và làm việc tại tỉnh Nam Định.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ, kết thúc quá trình điều tra giai đoạn 1, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam Đình đã đề nghị VKSND tỉnh Nam Định truy tố 12 bị can về các tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Công an nhiều tỉnh, thành khuyến cáo người dân tuyệt đối không đặt mua, sử dụng các loại giấy tờ giả này vì nếu sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự vì tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
|