Dù nhiều lần được gia đình căn dặn “Khi lái xe con phải chú ý quan sát và nhất là không được vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại”, thế nhưng cô nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc H. (phường Quang Trung, Quy Nhơn) thường không nhớ. Và mới đây, do vừa điều khiển xe máy vừa mải mê nhắn tin điện thoại, H. đã tông sầm vào chiếc xe ba gác ngược chiều. Cú va chạm làm H. bị gãy chân và chiếc điện thoại bị hỏng.

 


Trường hợp của H. không phải là hiếm gặp, khi đi ngoài đường, chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến nhiều người vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động. Thử làm một khảo sát nhỏ, trong vòng chưa đầy

30 phút quan sát tại bùng binh ngã 5 đường Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn thì có đến hàng chục trường hợp vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển phương tiện. Thậm chí có người thì vừa chạy xe vừa nhìn vào điện thoại để bấm, vừa tranh thủ ngước lên để quan sát đường đi...

Sử dụng điện thoại trong khi đang điều khiển xe, chúng ta sẽ bị phân tán tư tưởng, khả năng quan sát, xử lý tình huống bị giảm sút. Và hệ quả của việc không tập trung lái xe rất dễ dẫn đến va chạm giao thông.

Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi lái ô tô hay các loại xe tương tự ô tô, với mức từ 600 - 800 ngàn đồng; từ 60.000 - 80.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô. Luật quy định là vậy, song có lẽ cơ quan chức năng chưa thực sự tập trung xử lý nghiêm hành vi này nên việc người dân vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Để bảo vệ bản thân và gia đình, mỗi người hãy tuân thủ đúng Luật Giao thông, ngay từ một việc nhỏ là hạn chế thói quen sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần tăng cường xử lý nghiêm những hành vi trên để tạo thói quen chấp hành nghiêm luật khi tham gia giao thông của mọi người dân.

 

Theo Báo Bình Định

.