Vụ hơn 300 học viên thuộc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng “bỏ trại, diễu hành” hơn 20km từ xã Gia Minh về nội thành Hải Phòng gây xôn xao dư luận. Có những nguyên nhân sâu xa và cả nguyên nhân bộc phát dẫn tới sự việc này nhưng có một điểm chung: Đó không phải con đường về nhà của học viên cai nghiện ma túy.
 
 Bỏ trại, “hành quân” diễu phố
Các học viên thuộc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng “bỏ trại, diễu hành” từ xã Gia Minh về nội thành Hải Phòng ngày 14.9.

 

Bỏ trại, “hành quân” diễu phố

 
Chiều 14.9, nhận thông tin Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng (thường gọi là trung tâm Gia Minh vì đặt tại xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) “vỡ trại”, cánh phóng viên chúng tôi lập tức lên đường. Những thông tin ban đầu rất “ghê gớm”, nào là những người nghiện đập phá, cướp đồ vật của những người ven đường. Tuy vậy, khi tới nơi, mọi việc không như chúng tôi nghĩ, đoàn học viên cai nghiện hàng trăm người đi về trong trật tự, xung quanh là người dân, lực lượng công an áp sát “hộ tống”. Chỉ một đặc điểm duy nhất nhận ra họ là đa số đều săm trổ, cởi trần, mặc quần đùi.
 
Đoàn học viên cai nghiện cứ lầm lũi đi bộ vượt qua hơn 20km từ Thủy Nguyên về hướng nội thành Hải Phòng. Đi được nửa đường thì số học viên cũngvơi đi một nửa vì nhiều người quê ở huyện Thủy Nguyên đã tách ra để về nhà, số khác được người nhà đi xe máy đến đón.
 
Có lẽ ít có sự kiện nào mà Công an Hải Phòng huy động một lực lượng đông đảo như ngày xảy ra “vỡ trại”. Vài trăm cảnh sát thuộc các lực lượng cơ động, hình sự cấp thành phố rồi công an quận, huyện, CSGT triển khai lực lượng dày đặc dọc đường đi của đoàn học viên cai nghiện. Không có sự trấn áp, đoàn học viên lần lượt vượt qua các xã, tới thị trấn Núi Đèo của huyện Thủy Nguyên rồi vượt qua cầu Bính vào nội thành Hải Phòng. Tới khu vực ngã ba cầu Bính, công an Hải Phòng triển khai một lực lượng đông đảo lập nên một hàng rào người yêu cầu những học viên cai nghiện phải đi theo hướng ra ngoại thành để từ đó ai về nhà nấy. Một vài lộn xộn, truy đuổi đã diễn ra khi một vài học viên cai nghiện manh động định vượt qua hàng rào cảnh sát cơ động để vào trung tâm thành phố. Chỉ sau vài phút, trật tự được vãn hồi, các học viên cai nghiện ai về nhà nấy sau khoảng gần 4 tiếng “hành quân”.
 
Theo thông báo chính thức từ UBND TP.Hải Phòng, có 324 học viên cai nghiện tự ý bỏ về trong sự kiện chiều 14.9. Tại sao những học viên cai nghiện tại trung tâm Gia Minh lại dễ dàng tập hợp đông người, tự ý rời khỏi trung tâm. Ông Nguyễn Quang Toàn - Giám đốc trung tâm Gia Minh lý giải: Trung tâm hoạt động theo xu hướng mở, thân thiện nên từ nhiều năm nay chúng tôi đã phá bỏ toàn bộ hàng rào ngăn cách trung tâm với bên ngoài. Chúng tôi cũng không có lực lượng bảo vệ được trang bị bất cứ loại vũ khí hay công cụ hỗ trợ nào. Khi xảy ra vụ việc, các cán bộ trung tâm chỉ đứng ở cổng khuyên giải, khi các học viên cố tình ra về chúng tôi chỉ khuyên các em là hãy tuân thủ pháp luật, đừng gây rối trật tự công cộng.
 
“Mổ xẻ” những nguyên nhân dẫn tới việc học viên bỏ trại tập thể
 
Trung tâm Gia Minh quản lý một nhóm đối tượng có tính đặc thù cao. Trong số 915 học viên mà trung tâm này quản lý thì có tới 70 % có tiền án, tiền sự; 40% đã nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Quản lý một nhóm đối tượng phức tạp như vậy nhưng trung tâm Gia Minh không phải nhà tù, người nghiện không phải tù nhân mà được xác định là những người bệnh đang thực hiện một phác đồ điều trị. Với tư cách là người bệnh thì những học viên này lại là những người bệnh đặc biệt. Họ đa phần có một quá khứ bất hảo, vướng vào ma túy, nhiễm HIV và luôn có tâm lý bất ổn, có xu hướng sống lang thang, phá bỏ mọi khuôn phép xã hội. Ông Nguyễn Quang Toàn, trong buổi họp báo sau khi xảy ra vụ việc, đã thật thà tâm sự: Các anh chị cứ tưởng tượng trong gia đình, trong khu phố có một “ông nghiện” đã náo loạn thế nào. Ở trung tâm chúng tôi có hơn 900 người nghiện, việc quản lý họ khổ lắm.
 
Sự kiện hơn 300 học viên bỏ về ngày 14.9 có thể coi là hệ quả của nhiều mâu thuẫn âm ỉ trong thời gian gần đây. Mấy tháng trước, trong một lần đến thăm trung tâm Gia Minh, một cán bộ trung tâm không ngần ngại nói thẳng với tôi: Căng lắm, chúng tôi đang phải gồng mình lên để giữ học viên. Họ bức xúc, họ đòi về, có người còn nói thẳng với cán bộ “vợ em nó mang đơn ly dị đến đây này, nếu thầy (cán bộ trung tâm – PV) không cho em về, gia đình em tan nát thầy có chịu trách nhiệm được không?”.
 
Sự căng thẳng ở trung tâm Gia Minh bắt đầu từ khi trung tâm áp dụng Nghị định 94/2009/NĐ-CP quy định về quản lý sau cai nghiện ma túy. Theo đó, các đối tượng sau 2 năm cai nghiện bắt buộc nhưng có nguy cơ tái nghiện cao phải chịu sự quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện. Trong trường hợp này, một số đối tượng tại Trung tâm Gia Minh sau 2 năm cai nghiện bắt buộc sẽ tiếp tục ở lại điều trị sau cai từ 1 - 2 năm. Trung tâm đã nhiều lần tuyên truyền, giáo dục học viên về nội dung của Nghị định nhưng nhiều người vẫn bức xúc, phản đối. Họ liên tục kích động, đe dọa, lôi kéo những học viên sau cai khác chống đối, không tham gia các hoạt động của Trung tâm. Ngay giữa các học viên của trung tâm từ nhiều tháng gần đây hình thành 2 nhóm: Kích động bỏ trốn và mong muốn tiếp tục ở lại điều trị. Giữa 2 nhóm này thường xuyên xảy ra mâu thuẫn thậm chí ẩu đả, đánh nhau. Đỉnh điểm của sự việc là sáng 26.8, tại phòng B3 thuộc Đội Quản lý giáo dục học viên số 6 của trung tâm xảy ra vụ đánh nhau giữa 2 nhóm. Một nhóm gồm 10 người sau bị đánh phải chạy lên núi đá trong trung tâm, phải nhờ lực lượng công an đến bảo vệ mới dám về. Tuy vậy ngay tối hôm đó, lại tiếp tục xảy ra ẩu đả, một học viên bị đâm bằng vật nhọn, trọng thương. Sau vụ việc trên, tại đây tiếp tục xảy ra nhiều vụ ẩu đả khác. Có những vụ, khi 2 nhóm đang đằng đằng sát khí lao vào nhau, ông Nguyễn Quang Toàn phải nhảy vào giữa “dẹp loạn”. Ông Toàn vốn là Đội trưởng Đội H88 thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hải Phòng được biệt phái sang làm Giám đốc trung tâm. Tuy vậy, những mâu thuẫn âm ỉ giữa các nhóm học viên, sự xúi giục của một vài đối tượng cộm cán và tâm lý đám đông của nhiều học viên đã dẫn đến sự kiện hơn 300 học viên bỏ khỏi trung tâm Gia Minh.
 
“Đó không phải đường về nhà!”
 
Phạm Thế Thuận (hộ khẩu thường trú tại phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) là một trong hơn 600 học viên không rời Trung tâm Gia Minh ngày 14.9. Tâm sự với chúng tôi ngay sau hôm xảy ra sự kiện, Thuận kể: Hôm đó em đang ở trong đội (đội 2) thì nghe tiếng hô “anh em ơi về thôi” xuất phát từ đội 6. Hàng trăm người đi qua các đội đều hô hào và nhiều người từ các đội khác cũng chạy theo hòa vào dòng người. Lúc đó, thấy một số người cùng đội hòa vào dòng người đó, em đã định lao theo nhưng rồi như có ai đó nói với mình “Đó không phải đường về nhà đâu. Nếu giờ về thì rồi lại tìm đến ma túy ngay lập tức, bao nhiêu công sức cai nghiện mất hết, rồi lại chích, lại trốn chui trốn lủi”. Em phải mất một lúc đấu tranh tư tưởng rồi đi đến quyết định mình sẽ ở lại, hoàn thành cai nghiện và đường hoàng trở về gia đình. Tới giờ, em thấy quyết định đó của em hoàn toàn chính xác.
 
Trong đoàn hơn 300 học viên cai nghiện rời trung tâm ngày 14.9 có Nguyễn Mạnh Cường (SN 1988, học viên đội 4). Cường tâm sự: “Hôm đó, em đang ở đội thì thấy khoảng 100 bạn từ đội 6 tràn sang. Nghe nói mọi người bỏ về tập thể, em cùng nhiều bạn ở đội mở cổng chạy theo, hòa vào dòng người đó. Bọn em cứ thế đi, em chỉ có suy nghĩ là làm sao về nhà. Nhìn thấy em cởi trần, mặc quần đùi bước vào cửa bố mẹ em chỉ thẫn thờ: Con ơi sao con lại làm thế? Em chợt nghĩ mình về thế này chẳng khác gì trốn trại, rồi ai công nhận rằng mình đã cai nghiện thành công. Em về đến nhà lúc 20h, bố mẹ em nấu cơm cho ăn một bữa, đến 22h30 em quay lại trung tâm, được các thầy cô đón tiếp như chưa có việc gì xảy ra”.
 
Học viên Nguyễn Đình Thịnh thì thẳng thắn tâm sự về nguyên nhân mình không nghe theo lời các học viên khác bỏ trốn: “Hôm đó, khi em đi đến cổng, mấy thầy cô đứng ở cổng chỉ nói rằng các em hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Em chợt nghĩ bản thân mình đã nhiễm HIV nhiều năm rồi. Mấy năm vào đây, được điều trị theo phác đồ, sức khỏe đã khá ổn định. Giờ mình chạy ra ngoài kia rồi lấy thuốc đâu mà uống, rồi lại lang thang đầu đường xó chợ, lại “bập” vào ma túy, chắc chẳng được mấy ngày rồi chết. Nghĩ vậy em quay lại, không hòa vào dòng người trốn trại”.
 
Sau sự kiện 324 học viên cai nghiện rời trung tâm “hành quân” diễu phố, tới nay hơn ½ trong số đó đã quay lại trung tâm Gia Minh. Cuộc sống thường nhật đã quay lại với trung tâm này nhưng chắc chắn an ninh trật tự ở Hải Phòng ít nhiều đã và sẽ bị ảnh hưởng. Trở về cộng đồng bằng con đường trốn trại, những học viên này rất dễ tái nghiện để rồi quay lại con đường quen thuộc: Nghiện, lang thang, bằng mọi cách “xoay tiền” để hút, chích rồi phạm tội.
 
Theo Lao động