Trong đó có 18 người nghiện là CB-VC và 34 người là nữ. Từ đầu năm 2011 đến nay, Trung tâm CB-GD&LĐ tỉnh đã tiếp nhận, quản lý, chữa trị cho 324 lượt học viên gồm 164 học viên tự nguyện và 160 học viên bắt buộc. Đã bàn giao về địa phương và Trung tâm GD-LĐXH Lạc Sơn 327 học viên. Hiện đang quản lý 244 học viên. Trung tâm GD-LĐXH Lạc Sơn tiếp nhận, quản lý, tổ chức lao động, trị liệu cho 208 học viên. Đã bàn giao về cộng đồng 67 học viên, hiện đang quản lý 141 học viên.
Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo báo cáo khảo sát của Ban VH-XH&DT (HĐND tỉnh) tại Trung tâm GD- LĐXH Lạc Sơn và Trung tâm CB-GD&LĐ tỉnh, ngoài những kết quả đã đạt được như: tổ chức có hiệu quả việc giáo dục tuyên truyền, dạy nghề cho lao động trị liệu. Kết hợp nhiều phương pháp điều trị cai nghiện đảm bảo cắt cơn nghiện ma túy an toàn...
Tại các trung tâm, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về kinh nghiệm trong quản lý và đào tạo, một số cán bộ năng lực còn hạn chế, chưa chủ động, sáng tạo trong công tác. Việc sắp xếp, bố trí, phân công và tổ chức quản lý học viên còn nhiều bất cập, hạn chế, việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của học viên chưa kịp thời.
Phần lớn học viên không có nghề nghiệp, nghiện lâu năm, sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh lây truyền nguy hiểm, có tiền án, tiền sự, sự quyết tâm về chữa trị chưa cao, không tập trung tư tưởng. Kinh phí NSNN cấp cho trung tâm còn hạn hẹp, học viên chỉ được Nhà nước cấp kinh phí trong thời gian 12 tháng, trong khi quyết định cưỡng bức cai nghiện 24 tháng.
Trong khi công tác cai nghiện phục hồi được triển khai đảm bảo các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, xã hội hóa công tác cai nghiện, quản lý, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, chống nghiện mới và tái nghiện đạt hiệu quả rất thấp. Số người tái nghiện sau khi cai nghiện tại các Trung tâm CB-GD&LĐ của tỉnh từ 96-98%.
Nguyên nhân được xác định: Tại các trung tâm mới chỉ dừng lại ở việc cắt cơn và cai nghiện phục hồi. Nhiều gia đình học viên chưa quan tâm, hỗ trợ, động viên, thậm chí phó thác cho Trung tâm trong thời gian cai nghiện, cụ thể ngoài kinh phí Nhà nước cấp trong 12 tháng, khi sang đến tháng thứ 13, phần lớn các gia đình học viên không đóng góp, hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí.
Các trung tâm chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức cho học viên lao động sản xuất để nuôi sống được bản thân trong thời gian cai nghiện tại trung tâm. Chính quyền địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn không hoàn thành chức trách được giao từ khâu tiếp nhận, quản lý giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Đa số người nghiện ma túy sau khi cai nghiện tại các Trung tâm và đang sinh sống tại cộng đồng bị người thân, xã hội xa lánh, kỳ thị nên hầu hết không có việc làm, thu nhập ổn định, sống lang thang, vất vưởng dẫn đến tái nghiện và gây án để có tiền sử dụng ma túy. Bọn tội phạm buôn bán ma túy dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo để khuyến khích tái nghiện và có thêm người nghiện mới nhằm duy trì, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tình hình trên cho thấy, đấu tranh ngăn chặn từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của các cấp, ngành, lực lượng, tổ chức xã hội cùng toàn dân. Đòi hỏi sự tham gia tích cực, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục, từng bước nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội.
Đồng thời, phát huy sức mạnh toàn dân, tăng cường vai trò của gia đình, nhà trường, tổ chức, đoàn thể và cơ quan chức năng trong công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của ma túy, làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, ngăn chặn tệ nạn ma túy, góp phần nâng cao sức khỏe người dân và đảm bảo TTATXH.
Theo Báo Hòa Bình