Đại tá Trần Đức Tài – Phó Giám đốc Công TP cho biết, hiện nay có xu thế tội phạm từ phía Bắc kéo vào thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành băng nhóm lớn, ẩn mình dưới các hình thức kinh doanh như cầm đồ, vũ trường, cho vay… Công an kiểm tra 30 tiệm cầm đồ thì 100% sai phạm, núp bóng cho vay nặng lãi, có nơi cho vay đến 150%/tháng.
 


“Chúng tôi đã có suy nghĩ nên cũng vừa báo cáo, vừa đề xuất là cử đoàn ra Hà Nội và các địa phương khác xem họ tổ chức bán hàng ăn uống, nhậu nhẹt ban đêm như thế nào? Chứ bây giờ ở thành phố, quán nhậu mở từ 19h tối đến 3,4h sáng. Và các vụ giết người do nguyên nhân bộc phát khá cao vào thời điểm này. Thành phố chỗ nào cũng có quán nhậu, quán nhậu bình dân cũng là nơi băng nhóm tội phạm tụ tập rồi gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Tài cho biết và đề xuất thành phố xem xét, nghiên cứu giới hạn thời gian mở cửa quán nhậu để kéo giảm tội phạm.

Về tình hình tội phạm xã hội đen, tội phạm có băng nhóm ở thành phố có xu hướng giảm nhưng hiện nay, có xu thế tội phạm từ phía Bắc kéo vào tổ chức thành băng nhóm lớn, ẩn dưới các hình thức kinh doanh có điều kiện như cầm đồ, vũ trường, cho vay…

“Vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra khoảng 30 tiệm cầm đồ tại 3 quận thì 100% sai phạm, hoạt động không đúng quy định, núp bóng cho vay lãi nặng, có nơi cho vay đến 150%/tháng. Nếu người vay không trả được sẽ bị họ cưỡng đoạt tài sản và gây áp lực. Thành phố đang quyết liệt giải quyết vấn đề này”, ông Tài nói.

Tội phạm ma túy cũng đang diễn biến phức tạp, hoạt động có tổ chức, quy mô lớn và kèm theo vũ khí nóng. Hiện nay, buôn bán ma túy nhỏ lẻ cũng có vũ khí nóng; tội phạm ma túy ngày càng manh động hơn, nguy hiểm và tinh vi hơn…

“Tôi mong các địa phương đẩy mạnh phong trào cảnh giác giúp công an có thông tin để đấu tranh. Loại tội phạm này ngày càng manh động hơn, nếu không có giải pháp triệt để thì hậu quả sẽ rất lớn”, ông Tài nói.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.758 vụ tai nạn giao thông (làm 376 người chết), giảm 77 vụ so với cùng kỳ năm 2015 nhưng số người chết tăng 25 người.

“Mỗi năm thành phố có trên 700 người chết vì tai nạn giao thông. Một thành phố lớn như TPHCM mà hàng năm tổn thất về con người do tai nạn giao thông đến mức này là quá lớn. Phải tìm mọi cách hạn chế. Trên 50 người đi bộ chết do tai nạn giao thông, việc này cũng có nguyên nhân do người đi bộ nên phải có kế hoạch tuyên truyền ý thức giao thông cho họ”, ông Tài nói và đề nghị phải lặp lại trật tự vỉa hè để dành lối đi cho người đi bộ, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.
 

Theo Dân trí

.