Ngày 21/2, trên đường ra Hà Nội làm hộ chiếu xuất khẩu lao động, thiếu nữ Phan Thị Huyền, sinh năm 1997 ở Hà Tĩnh đột nhiên mất tích.
Chị Phan Thị Yến (chị gái của Huyền) cho biết: “Vào tối 19/2, Huyền có đi xe khách từ nhà ra Hà Nội để làm hộ chiếu sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Sáng hôm sau, Huyền có gọi điện báo đã đến nơi và đang gọi xe ôm hãng Grab đón sang công ty xuất khẩu lao động Thuận Thảo ở Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội”.
"Đến 6h50' thì tôi nhận được tin nhắn lạ từ số em gái với nội dung là không muốn đi Đài Loan nữa và báo mẹ và tôi đừng đi tìm. Khi đọc tin nhắn, tôi đã rất sốc vì trước giờ Huyền rất mừng và phấn khởi khi được đi.
Sau khi nhận được tin em Phan Thị Huyền (21 tuổi, trú tại thôn 11, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) mất tích, công an huyện Nghi Xuân đã cử lực lượng về gia đình nắm bắt tình hình, đồng thời hướng dẫn gia đình trình báo cơ quan công an Hà Nội (nơi Huyền bị mất tích).
Ngày 22/2, qua trình báo của gia đình, em Huyền sau khi nhắn tin đã trực tiếp gọi điện cho mẹ là bà Nguyễn Thị Hoài và chị gái là Phan Thị Yến.
Qua trao đổi với người thân, Huyền cho biết sức khỏe tốt và đang an toàn, bên cạnh đó Huyền cũng cho biết đang giải quyết “công việc” vài ngày sau sẽ quay về với gia đình.
Những nội dung tin nhắn và cuộc gọi của em Huyền và gia đình đã cung cấp cho cơ quan công an vào ngày 23/2, đây là những thông tin rất quan trọng phục vụ cho công tác điều tra thời gian qua.
“Qua tài liệu và kết quả điều tra của công an huyện Nghi Xuân có được, đến nay có thể khẳng định, em Huyền không mất tích và không có dấu hiệu bị tội phạm trong vụ việc này” – Thượng tá Nguyễn Đăng Hải, Phó Trưởng công an huyện Nghi Xuân khẳng định.
Ngày 15/3, gia đình Huyền cho biết, sau gần 1 tháng "mất tích bí ẩn" khi ra Hà Nội làm thủ tục xuất khẩu lao động, cô đã trở về nhà.
Gia đình cho hay, sức khỏe và tâm lý của Huyền bình thường. Huyền giải thích với gia đình là lúc đầu ra Hà Nội để làm thủ tục xuất khẩu lao động Đài Loan, tuy nhiên khi ra đến nơi thì tìm được một công việc ổn định nên mức lương cao.
Vì sợ gia đình không đồng ý nên Huyền đã cắt liên lạc, không dám nói rõ chỗ ở cho gia đình biết.
Nữ sinh xinh đẹp mất tích: Đừng mang xã hội ra đổ lỗi
Tình trạng các em ở tuổi học trò bỗng nhiên mất tích đã phổ biến ở nhiều địa phương, liên tục báo chí phản ánh nhưng dường như không thuyên giảm. Đặc biệt các em đều là những nữ sinh cấp 3, trong đó nhiều trường hợp mất tích dài ngày nhưng vẫn bặt âm vô tín.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em bỏ nhà đi như: buồn chuyện gia đình nên tự ý bỏ học, bỏ nhà theo bạn đi chơi; thiếu kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ nên dễ nghe lời dụ dỗ, xúi giục của bạn bè xấu…
Cũng có lý do như hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn trong khi các em bắt đầu lớn, có nhu cầu được ăn mặc, muốn giúp đỡ cha mẹ nên khi có người dụ dỗ đi kiếm việc làm đã trốn nhà đi làm. Cũng có những trẻ sống trong gia đình có ba mẹ bất hòa, ly hôn, các em không được dạy dỗ chu đáo nên bị ảnh hưởng tâm lý.
Bênh cạnh đó, dưới góc độ tâm lý học, lứa tuổi 14 -16 tuổi là tuổi vừa mới lớn, có các đặc điểm tâm lý rất đặc biệt như thích làm người lớn, thích khẳng định mình, dám làm việc khác thường, không sợ nguy hiểm…
Đặc biệt là sự xuất hiện cảm xúc giới tính, rung cảm yêu đương rất mới nhưng rất mạnh ở các em, các em nữ ở tuổi này rất nhạy cảm, đồng thời dễ bị cám dỗ bởi cái gọi là “tình yêu”.
Do đó, các kẻ xấu lợi dụng điểm này, sẵn sàng giăng bẫy và khi các em gái buồn chuyện gia đình, học hành, cha mẹ la gầy… thì các em sẵn sàng bỏ nhà theo bạn trai dù mới quen biết vài ngày.
Trước tình trạng ngày càng nhiều nữ sinh bỏ nhà đi, nhà trường cùng địa phương đang tích thực hiện các buổi tuyên truyền, tư vấn những kỹ năng cần thiết cho các em học sinh cấp 2 - 3; tác dụng phụ của điện thoại, facebook cho các em học sinh, thầy cô, phụ huynh….
Tuy nhiên nhiều phụ huynh cũng mong muốn, song song bên công tác tuyên truyền của lực lượng công an, đội ngũ giáo viên phải nắm quan tâm nhiều hơn đến tình hình học sinh của lớp mình chủ nhiệm, kịp thời thống báo đến gia đình.
Nhưng cuối cùng, gia đình vẫn là nơi quan trọng nhất để theo dõi và giáo dục con em của mình.
Một thượng tá công tác trong ngành an ninh, từng tiếp nhận nhiều vụ trình báo về nữ sinh mất tích khuyên: "Các bậc phụ huynh hãy quan tâm đến con cái mình. Hãy ‘rào kín’ mọi khe hở của xã hội. Đối với những em có hoàn cảnh éo le thì cần có sự giám sát của những người kế quyền cha mẹ các em và sự quan tâm của các tổ chức địa phương".
Theo K.N (GĐ&XH)