Trước đó, ngày 7/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn hỏa tốc gửi CATP Hà Nội đề nghị chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan xác minh thông tin về việc ngân hàng thiếu vàng để bán; tại nhiều điểm bán vàng có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn cho thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị CATP Hà Nội chỉ đạo triển khai các giải pháp phối hợp đảm bảo an ninh tại các địa điểm bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, hạn chế tình trạng các đối tượng có dụng ý xấu thuê người xếp hàng mua gom vàng, gây mất an ninh trật tự.

leftcenterrightdel
 Người dân xếp hàng tại các điểm bán vàng bình ổn.

Phòng An ninh kinh tế đã tổ chức lực lượng trinh sát, xác minh làm rõ những sự việc nói trên. Qua quá trình trinh sát, nắm tình hình, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, các tổ công tác của Phòng An ninh kinh tế đã xác định, có một số đối tượng có biểu hiện thuê người xếp hàng mua vàng tại một số chi nhánh ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV được giao bán vàng bình ổn trên địa bàn thành phố.

Ban đầu xác định có khoảng 4,5 nhóm riêng biệt và trong mỗi nhóm có một đối tượng đứng ra gom vàng, sau khi số khách hàng (nghi vấn được thuê) giao dịch mua vàng xong với ngân hàng.

leftcenterrightdel
 Nhiều người dân được thuê xếp hàng để mua vàng.

Các nhóm này đều hoạt động theo phương thức chuyển khoản tiền trước cho thành viên trong nhóm, sau khi lấy được số xếp hàng sẽ chờ đến lượt để giao dịch mua vàng. Sau khi nhận được vàng từ ngân hàng, số người mua sẽ tập trung giao vàng cho đối tượng chính. Một số đối tượng di chuyển sang các điểm khác để tiếp tục xếp hàng mua vàng.

Theo dõi di biến động của các đối tượng chính, các trinh sát xác định, điểm đến là các cơ sở kinh doanh vàng bạc.

Điển hình như: cửa hàng kinh doanh vàng bạc B.T.T.H trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội do bà Đ.T.T làm chủ đã có 4 người đi xếp hàng mua vàng. Ngoài chồng bà T còn có 3 cá nhân khác đi xếp hàng mua vàng tại các ngân hàng thương mại Nhà nước. Tại các điểm bán vàng, 3 cá nhân này đã mua được 4 lượng vàng, sau đó di chuyển về cửa hàng B.T.T.H. Xác minh ban đầu xác định các cá nhân liên quan đến cửa hàng này đã xếp hàng mua tổng cộng 14 lượng vàng SJC.

leftcenterrightdel
 Phòng An ninh kinh tế và Cục Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh vàng bạc phát hiện có sai phạm.

Ngày 17/6, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng An ninh kinh tế đã phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội thành lập 3 tổ công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật hoạt động mua, bán vàng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kiểm tra tại cửa hàng B.T.T.H phát hiện, chồng của bà T đang thực hiện mua 1 lượng vàng SJC từ 1 cá nhân với giá 81 triệu/lượng, thanh toán theo hình thức chuyển khoản, không có hoá đơn chứng từ.

Cửa hàng kinh doanh vàng bạc B.T.T.H không được cấp phép mua bán vàng miếng SJC. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ đối với một số mặt hàng trang sức mỹ nghệ đang được bày bán. Tổ kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ tang vật vi phạm hành chính đối với 1 lượng vàng SJC và 232 chiếc nhẫn trang sức màu vàng và 48 chiếc nhẫn trang sức màu trắng.

Tại phố Hà Trung, một trong những điểm đến về giao dịch tự do ngoại tệ và vàng trên địa bàn thành phố, tổ công tác số 3 Phòng An ninh kinh tế và Cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra tại Công ty TNHH MTV kinh doanh vàng bạc T.L. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện Công ty đang thực hiện mua 1 lượng vàng SJC từ 1 cá nhân với giá 81 triệu đồng/lượng, thanh toán theo hình thức chuyển khoản. Tổ kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ tang vật vi phạm hành chính.

Vụ việc mua vàng với giá cao hơn ngân hàng bán ra cho thấy, đã có hiện tượng người kinh doanh cửa hàng vàng bạc sẵn sàng chi tiền chênh lệch để mua được vàng miếng SJC, đi ngược với quan điểm bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước.

Hầu hết các cơ sở này đều không được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng SJC, ngoại tệ nhưng luôn sẵn sàng mua vàng miếng SJC với giá cao để tích trữ, sau đó bán ra với giá cao hơn, gây bất ổn thị trường vàng.

Phòng An ninh kinh tế khuyến cáo người dân không nên mua vàng miếng ở những cơ sở không được cấp phép kinh doanh bởi theo Nghị định số 07 năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ phạt từ 250 triệu đến 300 triệu đồng, nếu mua bán kinh doanh vàng miếng không phép.

Trong thời gian tới, Phòng An ninh kinh tế sẽ tiếp tục nắm thông tin về tình hình thị trường vàng, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý thị trường kiểm tra các điểm giao dịch vàng, ngoại hối trên địa bàn thành phố, đưa ra những dự báo sát thực tiễn, qua đó, tham mưu các cấp có những giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Hai Vy