“Lọ này nhỏ, giá 25.000 đồng nhưng nó có thể làm trái cây như táo, lê, chuối, mít,… tươi lâu, để hàng tháng không thối, ủng”, chị H - một người bán loại thuốc bảo quản hoa quả tại chợ Bưởi tiết lộ.
 


Rồi chị hướng dẫn: “Em dùng lọ này pha với 50 lít nước, sau đó em cho táo, lê, mận, chuối vào ngâm khoảng 15 - 20 phút thì vớt ra. Ngày hôm sau nhìn là tươi rói trông đẹp mắt lắm. Với mít, sầu riêng thì khác em không cần pha mà tiêm trực tiếp vào cuống, để chúng khoảng 1 ngày thì chín vàng và có mùi thơm nồng nặc, thậm chí không thối, để được mấy tháng không hỏng”.

Khi chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn về độ an toàn khi vào tay người tiêu dùng, chị H tặc lưỡi: “Lượng thuốc hoá chất đã pha ra đã loãng, không đủ độ để gây ngộ độc đâu nên em cứ dùng vô tư đi”.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thì, người ta vẫn nói rằng của rẻ là của ôi, cứ tham rẻ thì chỉ chuốc bệnh vào thân.

Thuốc làm trái cây mau chín thực chất là thuốc làm tăng tốc độ chuyển hóa tinh bột thành đường. Còn thuốc bảo quản trái cây thì theo cơ chế ngược lại, tức làm chậm quá trình lên men bên trong, làm chậm quá trình chuyển hóa etilen nhằm giữ trái cây tươi lâu, không thối, dễ vận chuyển đi xa.

Hiên trên thị trường có nhiều loại hóa chất sử dụng vào mục đích này. Có loại chứa hoạt chất có tính bay hơi hoặc rửa trôi thì vô hại, nhưng loại chứa hoạt chất “ngậm” bền vững và ăn sâu vào trái cây thì có hại cho người dùng. Thực tế, có rất nhiều loại thuốc của Trung Quốc đang bán thường hoạt động theo cơ chế “ngậm” bền trong trái cây rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người.
 

Theo Vietnamnet

.