(BVPL) - Năm 2016 tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lựa chọn là năm trọng tâm công tác về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó nổi cộm là giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

 


Tiêu hủy và xử lý hình sự  hành vi vi phạm

Theo Bộ luật Hình sự 2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7 , hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị áp dụng mức phạt 20 năm tù, bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng và bị cấm sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ bị xử phạt hành chính như trước đây. Hình phạt này chắc chắn sẽ đủ sức răn đe các đối tượng buôn bán và sử dụng chất cấm, góp phần ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng này. Chưa kể, heo có chất cấm sẽ bị tiêu hủy tức người chăn nuôi sẽ có nguy cơ mất trắng sản nghiệp. Các quy định này được đánh giá là giải pháp đột phá, đem đến sự công bằng cho người tiêu dùng và người chăn nuôi chân chính, thể hiện quyết tâm cao độ của Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành liên quan trong việc đẩy lùi vấn nạn chất cấm đã tồn tại suốt 10 năm nay.

Báo động về vi phạm

Tại Hội nghị tổng kết Thanh tra chuyên ngành của Bộ NN-PTNT năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016  ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết: Năm 2015, thanh tra chuyên ngành NN-PTNT đã tiến hành thực hiện thanh, kiểm tra được 8.407 cuộc, với 166.306 tổ chức, cá nhân và xử lý 32.060 tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi, vi phạm. Xử phạt hành chính số tiền gần 101 tỷ đồng.

Lĩnh vực thuốc BVTV đã phát hiện nhiều hành vi, vi phạm như: Buôn lậu, sử dụng thuốc ngoài danh mục hay SXKD thuốc giả, kém chất lượng. Đặc biệt, trong quá trình thanh, kiểm tra phát hiện 8 trường hợp buôn bán thuốc trong danh mục cấm, 34 trường hợp buôn bán thuốc giả.


Triển khai kế hoạch 1424 của Bộ NN&PTNT về việc thanh tra chuyên đề ATVSTP năm 2015, đã có 894 đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành được 59 Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố lập. Kết quả có nhiều vi phạm được phát hiện, các đoàn tiến hành xử phạt 24,2 tỷ đồng.

Riêng triển khai thực hiện đợt cao điểm kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng đã phát hiện 16%, trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc. Có 7,6% trong số các mẫu thịt có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, nhiều Cty SX TĂCN phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại hóa chất nào đó.

Bộ NN&PTNT thành lập  các đoàn thanh tra về việc thanh tra đột xuất đột xuất một số cơ sở SXKD và sử dụng TĂCN có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2015, các đoàn tiến hành thanh, kiểm tra trên 40 tổ chức, cá nhân và phát hiện, xử lý 18 Cty có hành vi vi phạm, xử phạt trên 2,6 tỷ đồng. Cục Thú y đã chỉ đạo các chi cục thú y lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Kết quả phát hiện 3 mẫu thịt, 157 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol.

 Tại các địa phương, có 46/63 tỉnh thành lập đoàn thanh tra do Thanh tra Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với Cảnh sát kinh tế (PC46), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) cùng chi cục thú y và các cơ quan khác đã tổ chức kiểm tra 129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm. Đồng thời phát hiện 12/649 mẫu TĂCN dương tính với Salbutamol; 69/2016 mẫu nước tiểu, 1/172 mẫu thịt có sử dụng Salbutamol.... Ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, với những biện pháp quyết liệt hiện nay, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2016. Trước đó, ngày 3/3/2016, Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã nhấn mạnh: “Năm 2016 xử lý triệt để chất cấm, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả”.

Các biện pháp kịp thời

Trước khi trình Quốc hội để kịp thời có những điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành có liên quan cũng đã kịp thời ban hành các thông tư phù hợp với thực tế: Thông tư quy định tiêu hủy (thay vì chỉ tạm thời bắt giữ cho heo loại thải chất cấm trước khi xuất chuồng), thông tư điều chỉnh mức xét nghiệm để dễ dàng phát hiện chất cấm, các bộ kit cho kết quả ngay tại thời điểm thanh tra thay vì phải gửi về phòng xét nghiệm như trước. Mặt khác, cùng với quản lý chất lượng và thanh kiểm tra, các đơn vị quản lý trong ngành nông nghiệp đã  xây dựng những mô hình cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn.

Sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, hàng loạt cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi vi phạm đã bị xử lý thích đáng. Đồng thời, ngành y tế đã rất chủ động kiểm soát Salbutamol để tránh việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích vào thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu/thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như, nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật Dược sửa đổi. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán…


Cuộc chiến chống sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đòi hỏi các bộ, ngành phải đồng loạt vào cuộc truy quét. Khi 63 tỉnh thành đều quyết tâm, cộng với sự phối hợp nhịp nhàng từ các bộ ngành như: Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công an, Bộ Y tế... sẽ giải quyết tận gốc thực trạng chất cấm trong chăn nuôi đầy nhức nhối từ nhiều năm qua.
                                                                    

PV

.