Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước xuất hiện một số trường hợp người dân bị chuyển nhầm tiền vào tài khoản... Thực chất, đây là một trong những hình thức của tội phạm nhằm đe dọa, khủng bố người dân để chiếm đoạt tài sản của họ. Thủ đoạn của các đối tượng là cố ý chuyển tiền vào tài khoản cá nhân kèm lời nhắn cho mượn tiền hoặc giải ngân khoản vay. Sau đó, giả danh người thu hồi nợ, hăm dọa, yêu cầu phải trả số tiền đã nhận cùng với khoản lãi cắt cổ.
Có vụ việc nạn nhân bị đòi nợ theo kiểu "khủng bố", đối tượng gửi hình ảnh Căn cước, ảnh nạn nhân, thông tin chuyển tiền, sau đó chửi bới, đe dọa sẽ gửi những thứ đó đến người thân, gia đình, bạn bè, nơi làm việc… do không chịu được áp lực từ kẻ xấu, ngại va chạm, nhiều người dân buộc phải chấp nhận chuyển tiền cho các đối tượng, dù họ không hề có vay mượn.
|
|
Công an TP Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. |
Ngoài ra, các đối tượng dùng thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người dân, sau đó, giả danh là nhân viên thu hồi nợ của Công ty tài chính, yêu cầu người dân phải trả lại tiền vừa chuyển vào tài khoản như một khoản vay.
Một số trường hợp, đối tượng cố tình gửi tiền vào tài khoản, sau đó liên hệ xin nhận lại khoản tiền đã chuyển nhầm nhưng thông báo đang ở nước ngoài và xin gửi tiền qua đường link dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Thực chất, khi người dân truy cập vào đường link này, tội phạm sẽ chiếm quyền sử dụng điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân sau khi lừa nạn nhân điền đầy đủ thông tin vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Để nâng cao nhận thức và phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội đề nghị mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác khi bất ngờ nhận được các giao dịch chuyển khoản.
Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người dân không sử dụng số tiền đó vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.
Người dân chủ động liên hệ với ngân hàng hoặc Cơ quan Công an để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc. Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
|
|
Nhiều người trở thành "nạn nhân" của hình thức lừa đảo trên. |
Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hoặc liên hệ với Cơ quan Công an để giải quyết. Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào đồng thời cảnh giác không truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu khống chế, đe dọa cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn hoặc liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Để tránh "sập bẫy" của tội phạm, người dân cần thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến.