Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an tỉnh Nam Định cho biết đang phối hợp với Công an phường Ngô Quyền, TP Nam Định, hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, đề xuất hình thức xử phạt vi phạm hành chính một đối tượng san, nạp khí dầu mỏ hóa lỏng trái phép vừa bị phát hiện.
Có thể do túng quá nên họ đã làm liều, biết sai nhưng vẫn cứ lao vào và khi bị xử lý thì xoay xở mãi cũng chưa đủ tiền nộp phạt. Không ít đối tượng còn cho rằng mức phạt 15 - 25 triệu đồng áp dụng với hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quá cao. Song thực tế cho thấy, mức phạt đó chưa thấm vào đâu so với những ẩn họa mà việc làm phạm pháp của họ có thể gây ra. Thậm chí, theo đánh giá của nhiều người, mức phạt này còn chưa đủ sức răn đe vì hiện nay, không ít cơ sở vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động này hòng trục lợi phi pháp. Chính vì thế, đầu năm 2013, Bộ Công Thương từng đề xuất tăng mức phạt lên 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi chiết, nạp gas trái phép. Việc sử dụng bình gas mini không được phép nạp lại tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được đề xuất nâng khung phạt lên mức 20 – 30 triệu đồng. Đồng thời, mức phạt với hành vi kinh doanh bình gas mini hoặc bình gas mini không được phép nạp lại; mua bán, vận chuyển, tàng trữ bình gas không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường cũng được đề xuất nâng lên thành 30 – 40 triệu đồng.
Khó có thể vin vào và đổ lỗi cho hoàn cảnh, bởi dù vô tình hay hữu ý, chỉ vì chút lợi ích cá nhân trước mắt, những người như Quang, như Tập cùng đồng bọn cũng đã đẩy cuộc sống của bản thân, gia đình và láng giềng vào vòng nguy hiểm!
Nguy hiểm cận kề
Lý giải về tính mất an toàn cũng như độ rủi ro cao của việc làm trên, Đại úy Phạm Hoàng Hiệp cho hay, theo đúng quy định, loại bình mini chỉ dùng một lần, không được phép nạp lại. Loại gas vốn được bơm trong bình lúc xuất xưởng cũng khác với gas trong bình 12 kg thông thường. Nếu như bình 12 kg gồm hỗn hợp khí butan và propan, có áp suất cao thì bình mini chỉ có khí butan, tạo áp suất thấp khi đánh lửa do thành của loại bình này được chế tạo rất mỏng. Chính vì thế, khi tiến hành san nạp, vô hình trung các đối tượng đã buộc bình gas mini phải chịu một áp suất cao gấp 3 lần mức cho phép.
Mặt khác, việc san đi nạp lại và tái sử dụng nhiều lần khiến cho loại bình mini vốn đã không được thiết kế van an toàn càng tăng thêm nguy cơ móp méo, rất dễ dẫn đến rò rỉ khí gas. Do nặng hơn không khí, hơi gas thoát ra ngoài sẽ bay là là trên mặt đất, tích tụ ở nơi kín gió, nơi trũng, những hang hốc trong kho chứa, nhà bếp… Vốn dễ dàng khuếch tán, hòa trộn với không khí tạo thành hỗn hợp cháy nổ, khi đạt tới giới hạn nồng độ cháy, dưới tác dụng của nguồn nhiệt hoặc ngọn lửa trần, nhiên liệu này có khả năng đốt cháy và nung chảy hầu hết các chất trong nhiệt độ lên tới gần 2.000 độ C. Chỉ cần một mồi lửa, một sơ xuất không đáng có là hàng trăm bình gas lớn nhỏ sẽ trở thành những quả bom mini phát nổ bất cứ lúc nào, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và gây thiệt hại cho chính gia chủ cũng như những hộ gia đình làm ăn, sinh sống xung quanh.
Nếu cơ quan Công an không phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của những đối tượng này, một khi cháy nổ xảy ra, hậu quả và di chứng để lại sẽ thật khó lường. Đó là chưa nói đến khả năng người lao động không mang trang bị bảo hộ có thể bị bỏng nặng trong trường hợp khí dầu mỏ hóa lỏng rò rỉ trực tiếp trên da. Mà kiến thức cũng như các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ chính là điều các cơ sở, đối tượng vi phạm này thiếu và dễ bỏ qua nhất. Chính vì thế, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần đến sự quan tâm, theo dõi thường xuyên và chủ động phối hợp, giúp đỡ của chính quyền cũng như người dân địa phương.
Theo Cảnh sát toàn cầu