Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe, thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông (TTGT), cảnh sát giao thông (CSGT) và công an các huyện, thị xã, thành phố đã cùng triển khai kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý ô tô tải vi phạm chở hàng quá tải, tự ý cải tạo kích thước, hình dáng của xe.

 


Ngoài ra, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã liên tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, qua đó đã lập biên bản 4.186 trường hợp vi phạm trọng tải và tự ý thay đổi kết cấu, kích thước của xe. Trong đó có 3.608 trường hợp chở hàng quá trọng tải cho phép, 185 trường hợp chở hàng vượt quá kích thước xe, 393 trường hợp tự ý thay đổi kết cấu, kích thước xe. Người vi phạm đã thực hiện quyết định xử phạt 3.751 trường hợp với số tiền trên 15,016 tỷ đồng; tước 2.231 GPLX, đình chỉ lưu hành 88 phương tiện.

Đối với công tác triển khai thực hiện kiểm tra tải trọng xe bằng bộ cân lưu động và trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, từ ngày 19-4 đến 15-9-2014 qua sự phối hợp giữa lực lượng TTGT và CSGT đã có 1.180 ô tô tải được kiểm tra, đã lập biên bản xử phạt 335 xe chở hàng quá tải trọng cho phép với tổng số tiền 1,347 tỷ đồng; buộc hạ tải 2592,46 tấn hàng hóa; tước quyền sử dụng GPLX 296 trường hợp.

Khó khăn tồn tại

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, hiện công tác kiểm tra, xử lý việc vi phạm chở hàng quá tải của ô tô tải trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, cụ thể như: Do nhân sự có hạn nên công tác phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giữa các ngành chức năng còn hạn chế. Cũng từ đó đã xảy ra tình trạng xe ôm, cò mồi thường xuyên theo dõi thời gian, địa điểm, tuyến đường công tác của các lực lượng chức năng để cảnh báo cho các xe vi phạm né tránh. Bên cạnh đó, công tác buộc hạ tải hàng đối với các xe vi phạm trên các tuyến đường còn chưa được thực hiện triệt để vì ngoài những trường hợp vi phạm gần các khu cảng, bến, kho hàng thì buộc hạ tải ngay, còn lại hầu hết các xe vi phạm trên các tuyến đường không có điểm để hạ tải hàng, gần khu dân cư mà hàng hóa chở quá tải thường là vật liệu xây dựng, vận chuyển bằng container nên rất khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát buộc hạ tải hàng đối với các xe vi phạm.

Riêng đối với trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, điều kiện làm việc tại trạm còn thiếu, chỉ có xe đặt trạm cân, lực lượng kiểm tra phải làm việc ngoài trời, điều kiện sinh hoạt giải quyết nhu cầu cá nhân không có, rất khó khăn cho lực lượng phối hợp tại trạm. Bên cạnh đó, thiết bị cân hoạt động chưa ổn định, phải mất thời gian khắc phục nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra tải trọng xe. Liên quan đến công tác này, mới đây, trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh đã đề xuất trang bị trên các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ, mỗi tuyến một trạm cân cố định để tiết kiệm kinh phí, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng chủ động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Việc tổ chức trạm cân lưu động như hiện nay chưa mang lại hiệu quả vì mạng lưới giao thông Bình Dương có rất nhiều đường ngang nên các phương tiện thường lợi dụng để né tránh trạm cân.

Trong quá trình cân tải trọng xe tại khu vực cổng chào Bình Dương thuộc địa bàn phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An đã xảy ra hai trường hợp lái xe không chấp hành yêu cầu của CSGT về việc đưa phương tiện vào vị trí cân. Trước tình huống này, lực lượng CSGT phối hợp Cảnh sát bảo vệ và cơ động buộc lái xe đưa phương tiện vào vị trí cân tải trọng. Trong quá trình thực hiện, không xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Riêng đợt phối hợp trạm cân liên ngành tại khu vực Bia Chiến thắng Bàu Bàng (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), lực lượng CSGT đã bị một số đối tượng theo dõi để dẫn ô tô tải né trạm cân. CSGT đã thông báo cho Công an huyện Bàu Bàng nhằm có biện pháp xử lý.

 

Theo Báo Bình Dương

.