Tình trạng phân bón làm bằng bột gạch, đá, đất sét, bột cao lanh rồi gắn nhãn mác nhập khẩu; sản xuất một nơi, xuất hóa đơn bán một nẻo; dùng thử thì tốt, dùng đại trà thì kém… đang gây thiệt hại lớn cho nông dân và cả nền kinh tế.

 


Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thực tế các công ty, cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ, làm giả, nhái nhãn mác còn nhiều chiêu khác lừa bán cho nông dân mà các ngành chức năng khó kiểm soát. Nguyên nhân do các gian thương lợi dụng lòng tin của nông dân, trình độ nhận thức hiểu biết còn hạn chế; chất lượng phân bón chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về hàm lượng dinh dưỡng cho từng loại. Việc quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm còn bất cập, khiến nông dân hiểu nhầm phân bón giả, kém chất lượng là phân chất lượng cao…

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh (Bộ Công an) cho biết, hiện cả nước có 45 tỉnh, thành phố có tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón phức tạp, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra khu vực phía Nam có hơn 7.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có vi phạm. Hiện tại các chế tài xử lý vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nên nhiều cơ sở vẫn tái phạm. Thêm nữa, phân bón là loại hàng hóa có đặc thù riêng, nông dân sử dụng phân bón cho cây trồng rồi thì không thu hồi lại được, do vậy không thể giám định được chất lượng. Đây chính là kẽ hở cho các đối tượng hoạt động phạm pháp.

Chế tài nào để xử lý?

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, đấu tranh với hiện tượng phân bón giả, kém chất lượng cần phải có giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông trên thị trường. Trước hết, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón; đưa ra quy chuẩn nhà nước đối với từng loại phân bón, làm cơ sở cho ngành sản xuất, quản lý thị trường kiểm tra, xử lý vi phạm. Cần thiết phải đưa việc sản xuất, kinh doanh phân bón vào danh mục sản phẩm kinh doanh có điều kiện để quản lý hiệu quả, tránh sản xuất tràn lan, khó kiểm soát. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước cần đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm thiểu nhập khẩu cũng như hạn chế sử dụng phân bón của cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ, kém chất lượng. Một giải pháp quan trọng khác là cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên thị trường, trong đó lực lượng chủ công là quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và lực lượng hải quan, biên phòng ở khu vực biên giới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Nguyễn Anh Dũng, Bộ Công thương cần tham mưu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định mới về sản xuất, kinh doanh phân bón thay thế cho nghị định cũ, trong đó quy định mức xử phạt nặng, đủ sức răn đe đối với những trường hợp sản xuất, lưu thông phân bón giả, kém chất lượng. Trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm", bộ máy thanh, kiểm tra tinh gọn, không chồng chéo thì mới hiệu quả. Đặc biệt là trong lúc thị trường phân bón đang diễn ra phức tạp, các quy định pháp lý về quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn chưa hoàn thiện, thì các bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền để nông dân nhận biết, sử dụng đúng sản phẩm.
 

Theo Hà Nội Mới

.