Không ít luật sư, thẩm phán, công tố viên... "tự phong" cho mình có năng lực và quyền hạn "tối thượng" để làm những "việc lớn", rồi lợi dụng lòng tin của những con mồi có người nhà vướng vào lao lý, cũng như tìm hiểu nhu cầu của mỗi người để đưa ra những lời giới thiệu, mời chào phù hợp nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với PV về những mánh khóe lừa đảo của những người lợi dụng các chức danh tố tụng để lừa đảo, luật sư Nông Minh Đức, công ty Luật Tùng Dương cho biết: "Loại tội phạm này ngày càng nhiều, không chỉ có những người giả mạo các chức danh tố tụng mà cả những vị đương quyền cũng lợi dụng chức vụ nhằm moi móc tiền của người nhà bị cáo. Tâm lý của những người nhà có người dính vào án thường rất lo lắng, và tìm mọi cách để có thể giảm án, thậm chí trắng án cho người thân.
Để con mồi tin tưởng, loại tội phạm này thường khoe có mối quan hệ thân thiết với nhiều cấp và nhiều nhân vật trong bộ máy thực thi pháp luật. Nạn nhân cũng vì không hiểu luật nên tiền mất tật mang, có trường hợp còn dính vòng lao lý khi bị chính những người hứa chạy án tố ngược lại là đưa hối lộ".
|
Nạn nhân bức xúc vì bị thẩm phán lừa tiền chạy án. |
"Nếu như trước đây các vấn đề dân sự đều bị hình sự hóa thì hiện nay lại có xu hướng dân sự hóa các vấn đề hình sự cho nên người dân đã tìm "đường tắt" để giải quyết nhanh vụ việc. Thủ tục tố tụng thường rất phức tạp, do đó, loại tội phạm này vẽ ra một lộ trình nhanh gọn để giải quyết vấn đề, cũng vì tin mà những người thiếu hiểu biết pháp luật thường "dính" bẫy. Các luật sư, kiểm soát viên, thẩm phán... đương quyền trong quá trình giải quyết vụ việc liên tục hạch sách, đe dọa người nhà bị cáo.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân rồi kêu mức án cao hơn so với luật định. Sau đó quay ra yêu cầu người nhà bị cáo "chung chi" nếu muốn được giảm án hay cho hưởng án treo. Tuy nhiên, trên thực tế, mức án nếu xét xử theo đúng pháp luật vẫn vậy, tức là không thể tăng lên hay giảm xuống như các vị này đã hứa. Đến khi án được tuyên, người nhà và bị cáo thấy mức án thấp hơn mức án mà những nắm quyền điều tra, tố tụng nói trước đó nên rất tỏ ra vui vẻ. Trường hợp này chính họ bị lừa mà không biết là mình bị lừa", luật sư Đức cho biết thêm.
|
Nạn nhân bức xúc vì bị thẩm phán lừa tiền chạy án. |
Ông Nguyễn Công Bằng (54 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cảnh báo: "Tội phạm loại này hay rêu rao mình đang giữ các chức danh quan trọng trong bộ máy pháp luật, rồi rêu rao nhằm khuếch trương thanh thế. Để con mồi tin tưởng hơn, chúng còn khoe mình quen với nhiều người tại các tòa án, bộ Công an... rồi tranh thủ làm quen với rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp khác nhau, nhằm mục đích khi có ai trong số những người mình quen hoặc người thân của họ vướng vào vòng tội lỗi có thể sẽ cần đến mình. Không ít trường hợp bị cáo đưa tiền để "chạy án" nhưng không biết chạy thế nào mà đưa tiền để những kẻ lợi dụng chức quyền "giúp".
Tuy nhiên, kết quả thường không được như ý muốn nhưng những người bị lừa không biết phải làm thế nào để tố cáo hay lấy lại được tiền. Để thực hiện được những công việc nhằm "giúp" dân lấy lại công bằng này, các đối tượng phạm tội thường yêu cầu họ đưa tiền trước để lo lót. Số tiền mà chúng yêu cầu ngày một tăng lên, chúng còn hứa trong một khoảng thời gian nhất định sẽ đòi lại công bằng cho dân, hay làm theo yêu cầu của dân, nhưng trên thực tế chúng không thể làm được những việc như đã hứa. Khi những người bị lừa đến đòi lại tiền thì chúng bỏ trốn hoặc hăm dọa khiến người dân rất bức xúc".
Luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán... là những chức danh có vai trò quan trọng trong việc định án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Người dân không nên lầm tưởng giữa những vai trò này với người có quyền lực tối cao, bởi những chức danh tố tụng cũng chỉ làm đúng theo trình tự pháp luật chứ không thể biến cái không có thành cái có được.
Theo Nguoiduatin.vn