Tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm ngày càng phức tạp. Thống kê cho thấy Hà Nội có nhiều vụ việc vi phạm nhất.
Đó là đánh giá và thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại buổi tổng kết đợt phát động cao điểm chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm (DP, TPCN, MP) vừa tổ chức sáng 4/12 tại Hà Nội.
Nhộn nhịp mọi ngóc ngách
Trao đổi bên lề, một Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Trên tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, tổ chức tập kết hàng hóa tại khu vực giáp ranh, tìm thời cơ vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, qua sông biên giới, tập kết hàng hóa vào nhà dân, chợ biên giới.
Sau đó, các đối tượng xé lẻ hàng hóa, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác để vận chuyển, cất giấu trong hành lý, cất giấu trong các hầm, sàn bí mật được gia cố trên xe tải, xe khách,... . “khoán trách nhiệm” từng cung đường cho đối tượng vận chuyển thuê.
”Lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, chế độ hóa đơn chứng từ để thu gom, hợp thức hóa hàng lậu. Sau đó vận chuyển về các tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM,... và các địa phương lân cận”, vị này cho hay.
Tuyến cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, các đối tượng trà trộn trong các lô hàng nhập khẩu thông thường, cất giấu trong hành lý, bưu phẩm, bưu kiện,... không khai báo, khai sai số lượng, chất lượng, phẩm cấp, xuất xứ,...
Hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN, MP, DP giả trong thị trường nội địa, các đối tượng thường không sản xuất tập trung với số lượng lớn, không có nhà máy, cơ sở sản xuất tập trung có quy mô, mà nhập nguyên liệu về xé lẻ, chia nhỏ từng công đoạn hoặc sản xuất hàng đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Thậm chí, không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất để nhận hàng mà hẹn điểm giao hàng thường là quán cà phê, cơ quan, nơi đoạn đường vắng hoặc nhận chở hàng đến điểm người mua nhằm che giấu sự phát hiện của người mua hàng báo cho cơ quan chức năng.
Thông thường đối tượng thường thuê địa điểm đóng gói hoàn thiện hoặc sản xuất là nơi hẻo lánh, khu đô thị mới, thuê phòng trọ và chỉ thuê trong thời gian ngắn rồi đổi địa điểm sản xuất khác nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.
Hà Nội có nhiều vụ vi phạm nhất
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sau ba tháng phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là DP, TPCN, MP từ ngày 15/7 đến 15/10, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.619 vụ việc vi phạm liên quan đến TPCN, DP, MP.
Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 21,622 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,713 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tịch thu chưa tiêu hủy 14,890 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.
Nhiều vụ việc vi phạm đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, trong đó nổi bật lên là Hà Nội chiếm nhiều nhất các vụ kiểm tra. Cụ thể các cơ quan ban ngành địa phương này đã kiểm tra 799 vụ, xử lý 655 vụ, phạt hành chính 5,14 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá thu giữ: 12,23 tỷ đồng. Khởi tố 2 vụ và 3 đối tượng.
Trong khi đó, các lực lượng chức năng TPHCM đã kiểm tra 511 vụ; phát hiện, xử lý 423 vụ vi phạm (trong đó gồm: 12 vụ buôn lậu; 12 vụ sản xuất và 399 vụ kinh doanh hàng giả). Số tiền thu nộp ngân sách ước đạt 5 tỷ 449 triệu; trị giá hàng tiêu hủy 3 tỷ 746 triệu đồng.
Tỉnh biên giới Lạng Sơn trong cùng thời gian cũng đã kiểm tra 234 vụ, phát hiện vi phạm và xử phạt 114 vụ với 106 đối tượng vi phạm, tiền phạt vi phạm hành chính gần nửa tỷ đồng; tịch thu, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá hơn 13 tỷ đồng.
Riêng Bộ Y tế, trong đợt cao điểm này đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 140 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 3,2 tỷ đồng; thu hồi và đình chỉ giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hàng trăm đơn vị và dừng lưu thông hàng nghìn sản phẩm vi phạm các quy định quản lý nhà nước.
Theo Tiền phong