Nhiều nghi vấn về nguyên nhân gây cháy xe tiếp xăng
Cập nhật lúc 08:49, Thứ ba, 04/06/2013 (GMT+7)
Có nhân chứng cho rằng trong quá trình tiếp nhiên liệu, xăng từ xe bồn rò rỉ và bén vào tàn thuốc gây cháy. Thời điểm hỏa hoạn, tổng lượng xăng từ xe bồn và hầm chứa khoảng 100 m3. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Có nhân chứng cho rằng trong quá trình tiếp nhiên liệu, xăng từ xe bồn rò rỉ và bén vào tàn thuốc gây cháy. Thời điểm hỏa hoạn, tổng lượng xăng từ xe bồn và hầm chứa khoảng 100 m3.
Đến 18h, hỏa hoạn mới được khống chế. Tuy nhiên, đề phòng nguy cơ cháy trở lại, các xe cứu hỏa vẫn đang phun nước làm mát xe bồn và hút xăng từ trong hầm chứa ra. Trong bán kính 200 m tính từ vị trí xe bồn vẫn bị phong tỏa. Trong nỗ lực dập lửa, 6 cảnh sát cứu hỏa đã bị lửa bén gây bỏng nặng.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết hiện cơ quan PCCC vẫn chưa xác định nguyên nhân cháy, tất cả chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Trả lời việc dùng nước phun để dập cháy xăng có thể làm lửa lan nhanh hơn, đại tá Thiều khẳng định cứu hỏa chỉ dùng nước phun vào làm mát cho lực lượng chữa cháy. Còn để dập tắt đám cháy từ xe bồn phải dùng bọt khí CO2.
Ông Thiều cũng cho rằng công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn do phải xử lý cả xe bồn và hầm xăng dưới đất. Tổng lượng xăng thời điểm đó khoảng 100 m3, trong đó xe bồn là 22 m3, được chia làm 5 ngăn. Khi bén lửa, xăng mới rút hết trong 2 ngăn của xe bồn.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo thuộc Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho hay, khi xả xăng xuống bồn, theo quy định, cây xăng không được bán hàng và phải giải tán người xung quanh để quan sát tránh hiện tượng người dân hút thuốc lá, hoặc xăng rò rỉ gây ra cháy nổ. Ngoài ra, khi đang xả xăng xuống bồn, người lái xe không được nổ máy ôtô để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Cũng theo ông, ở Hà Nội chưa bao giờ có hiện tượng cháy xe bồn lớn như vậy.
Theo VnExpress