Khoảng 3g30 ngày 28-12, tại công trường thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) lại xảy ra vụ sập giàn giáo.
|
Hiện trường vụ sập giàn giáo thi công tuyến metro Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) khiến chiếc taxi bị đè bẹp - Ảnh: Quang Thế |
Một khối lượng bêtông, sắt thép trên trăm tấn đổ sập xuống đường. Bốn người đi trên một taxi chạy dưới giàn giáo đã may mắn thoát chết.
Nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường cho hay bỗng nhiên nghe một tiếng động rất mạnh. Chạy ra thì thấy một khối lượng lớn bêtông, cốt thép đổ sập xuống đường.
“Khoảng năm phút sau, tôi thấy có bốn người cả tài xế và khách kéo nhau ra khỏi đống vữa bêtông, mọi người tá hỏa, may mà họ chỉ sây sát nhẹ. Cảnh tượng lúc sập kinh hoàng lắm, nhà tôi cách đó hàng trăm mét mà vẫn bị chấn rung” - ông Hiền (65 tuổi, ở đường Trần Phú) bàng hoàng kể lại.
Thoát chết trong gang tấc
Chiều cùng ngày, tài xế taxi Hãng Quê Lụa Nguyễn Bá Dương (40 tuổi, ở Dương Nội, Hà Đông) vẫn chưa hết sợ. Anh Dương cho biết anh chở ba khách nữ từ trung tâm thành phố Hà Nội về Hà Đông, khi đến đoạn trước số nhà 126 Trần Phú thì xe gặp nạn.
“Xe gần ngập hết bêtông, bị mấy dầm thép đè lên, tôi với khách trên xe phải tự kéo nhau ra. Nếu xe chỉ đi nhanh thêm vài giây nữa thì cả bốn người chúng tôi bị đè bẹp rồi”.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an Q.Hà Đông, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội cử nhiều chiến sĩ, cán bộ ra hiện trường điều tra làm rõ vụ việc. Đoạn đường ở khu vực xảy ra tai nạn bị phong tỏa trong nhiều giờ.
|
Hiện trường vụ sập giàn giáo dự án đường sắt trên cao - Ảnh: Quang Thế |
Tại hiện trường, một đường dầm dài hơn 10m, trọng lượng hơn trăm tấn bị đổ ụp hoàn toàn. Công nhân của đơn vị thi công, lực lượng cứu hộ phải cắt sắt, thu dọn bêtông đông kết dưới mặt đường để đưa taxi ra ngoài.
Taxi nằm sâu trong đống đổ nát, phần đầu xe bị sắt thép đè xuống, còn giữa thân xe là thanh sắt nặng gần 3 tấn đè ngang làm gãy toàn bộ phần nóc xe.
Một công nhân có mặt tại hiện trường cho biết theo kế hoạch ban đầu, có tới 18 xe bồn, mỗi xe có trọng lượng 10m3 bêtông, dự kiến hoàn thành việc đổ bêtông vào 5g30 sáng. Mới đổ hết xe thứ 10 thì giàn giáo sập xuống.
Là người dân ở gần khu vực xảy ra tai nạn, ông Nguyễn Quốc Toản (số nhà 108 Trần Phú) khẳng định đơn vị thi công làm rất ẩu.
“Dự án này từng xảy ra tai nạn hôm 6-11 làm rơi thép xuống đường khiến một người chết, giờ thì sập cả một giàn giáo hàng chục tấn sắt thép. Ngay thời điểm xảy ra tai nạn, khi đơn vị thi công đang bơm bêtông không có ai gác chắn cảnh báo các xe qua lại. Họ vẫn cho các xe và người dân đi phía dưới giàn giáo nên taxi bị nạn là vì thế” - ông Toản bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Đào (số nhà 106 Trần Phú) nói thêm: “May là vụ đổ sập giàn giáo này xảy ra lúc sáng sớm, ít người qua lại. Nếu xảy ra đầu giờ sáng thì chắc là rất nhiều người bị nạn. Nói thật chúng tôi sống gần đây mà lo nơm nớp”.
|
Sơ đồ vị trí sập giàn giáo ngày 28-12 và nơi xảy ra vụ rơi thanh sắt xuống đường làm một người chết vào ngày 6-11 - Đồ họa: V.Cường |
Nhà thầu và tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm
Chiều tối 28-12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết nguyên nhân vụ sập giàn giáo được phán đoán do hệ thống chống giàn giáo bị dịch chuyển dẫn tới sập khi thi công đổ bêtông xà mũ trụ số 7 của nhà ga bến xe Hà Đông thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo ông Trường, sau khi xảy ra sự cố, Bộ GTVT đã tạm đình chỉ thi công đối với hạng mục nhà ga bến xe Hà Đông, các hạng mục thi công khác của dự án cũng sẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ, nếu đảm bảo an toàn thì mới cho thi công bình thường.
Trả lời câu hỏi khi đổ bêtông ở trên cao có cần tạm thời ngăn người qua lại phía dưới giàn giáo hay không, ông Trường nói: “Yêu cầu chung là nhà thầu tính toán thiết kế giàn giáo rất an toàn, đảm bảo chịu được khối lượng bêtông ở trên, đảm bảo an toàn cho người đi lại phía dưới.
Tất cả các vị trí khác của dự án đều thực hiện như thế. Việc đổ bêtông được thực hiện vào nửa đêm về sáng, lúc đó ít người đi lại. Đường Trần Phú có mật độ đông, nếu cấm toàn bộ đường để thi công thì rất khó cho người dân”.
Sau khi xảy ra vụ rơi thép làm chết người trên công trường, ngày 6-11 Bộ GTVT đã tạm đình chỉ thi công toàn dự án để rà soát phương án thi công, nhưng nay vẫn xảy ra sự cố, tại sao vậy? Trả lời câu hỏi này, ông Trường cho biết Bộ GTVT có các công điện chỉ đạo, giao cơ quan chuyên môn thẩm định phương án thi công của nhà thầu.
Còn việc lên phương án thi công từng hạng mục, từng bản vẽ thi công cụ thể thì nhà thầu với tư vấn giám sát thực hiện và chịu trách nhiệm, Bộ GTVT không làm thay được. “Trách nhiệm chính vẫn là nhà thầu và tư vấn giám sát.
Sau vụ việc này sẽ làm việc rất căng với tư vấn giám sát. Nếu cần thiết sẽ thay tư vấn giám sát” - ông Trường nhấn mạnh. Trong thông cáo phát đi đầu giờ chiều 28-12, Bộ GTVT khẳng định tổng thầu là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu EPC) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chính và chịu mọi chi phí do sự cố sập giàn giáo gây ra.
Đồng thời Bộ GTVT còn yêu cầu tổng thầu, tư vấn giám sát (Công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh), thầu phụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Đình chỉ vô thời hạn một tư vấn giám sát
Đối với tư vấn giám sát, Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình cảnh cáo tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương. Đình chỉ vô thời hạn đối với ông Tạ Trung Văn - tư vấn giám sát phụ trách nhà ga bến xe Hà Đông.
Đối với Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có quyết định đình chỉ công tác điều hành đối với ông Nguyễn Văn Bảo - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án này - để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Đối với nhà thầu phụ thi công là Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ và đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) chịu trách nhiệm trực tiếp, Bộ GTVT đình chỉ toàn bộ công tác thi công, tuyệt đối không cho tham gia thi công bất kỳ hạng mục nào khác của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Vụ sập giàn giáo, bêtông xà mũ của trụ H7 xảy ra tại lý trình km7+703,600 - km7+798,400 - vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Đây là dự án được khởi công vào tháng 10-2011, có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD. Dự kiến tuyến đường sẽ khai thác vào tháng 6-2015.
Hiện Ban quản lý dự án đường sắt đang trình Bộ GTVT xem xét dự án này tăng tổng mức đầu tư từ 552,86 triệu USD lên khoảng 868,04 triệu USD do những chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng.
Đây là lần thứ 2 xảy ra tai nạn tại dự án này. Lần đầu xảy ra hồi tháng 11 khiến một người chết do rơi thép xuống đường.
|
Giàn giáo không đảm bảo
Đó là khẳng định của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sau khi đoàn kiểm tra của bộ trực tiếp kiểm tra hiện trường sáng 28-12.
Qua kiểm tra và đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy giàn giáo chống để thi công đổ bêtông xà mũ số 7 (H7) tại khu vực ga bến xe Hà Đông không đảm bảo an toàn dẫn đến bị sập trong lúc đổ bêtông.
Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình kiểm tra định kỳ, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng liên tục nhắc nhở và yêu cầu chủ đầu tư cùng các bên liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công của dự án này.
Trước đó ngày 10-11-2014, sau sự cố rơi bó thép làm chết một người tại dự án này, Bộ Xây dựng cũng có công văn gửi các bộ chuyên ngành đề nghị rà soát công tác an toàn thi công xây dựng.
Trả lời Tuổi Trẻ về nghi vấn thi công ẩu hoặc do rút ruột công trình, ông Phạm Minh Hà - cục trưởng Cục Giám định - cho hay trước mắt đoàn kiểm tra chưa đặt ra vấn đề này. “Cái đó sẽ do cơ quan chức năng điều tra, kết luận. Trong ngày mai chúng tôi sẽ có đoàn họp về vấn đề này để chính thức có đánh giá nguyên nhân sự cố” - ông Hà thông tin.
|
Theo Tuổi trẻ