Khi quảng cáo bị phát hiện không đúng sự thật, ở nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt đáng kể, có khi lên đến hàng triệu USD.

 


Nhiều chuyên gia nhận xét, tuy Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống. Vai trò quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập hoặc còn thiếu cơ sở để xử lý những quảng cáo không trung thực. Nhiều sản phẩm được quảng cáo sai lệch sự thật, nhưng vẫn chưa bị phanh phui. Chỉ khi nào người tiêu dùng phản ánh, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình “tung hỏa mù” thông tin khi quảng cáo sản phẩm nhằm đánh lừa người dùng, đặc biệt với các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm, mỹ phẩm, sữa...

Gần đây, nhiều người tiêu dùng đã tỉnh táo và cảnh giác hơn khi xem, nghe quảng cáo. Họ tìm hiểu trước và tự trang bị những kiến thức cần thiết khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Họ cũng kiểm tra cẩn thận thông tin, chất lượng, công dụng... của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Đây là một trong những cách cộng đồng người tiêu dùng phân biệt và tự bảo vệ mình trước “ma trận” quảng cáo ở Việt Nam. Cách thức này cũng khiến các doanh nghiệp phải e dè, cân nhắc khi thổi phồng thông tin quảng cáo vì nếu không khéo, thông tin khoa trương sẽ phản tác dụng, khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm, dịch vụ của mình.

 

Theo Người tiêu dùng

.