Rất nhiều vụ ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng đã xảy ra, nhưng chỉ đến khi vụ ngộ độc rượu tại Quảng Ninh khiến 15 người nhập viện, 6 người tử vong, cơ quan chức năng mới “tá hỏa” vào cuộc.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 400 triệu lít rượu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 64 triệu lít có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, số còn lại gần 340 triệu lít là rượu dân sinh, rượu “trôi nổi” hoàn toàn không được kiểm soát về chất lượng.

Để tăng cường quản lý hoạt động sản xuất rượu, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Nghị định 94 quy định 1.000 người tiêu dùng mới có 1 điểm bán lẻ rượu. Như vậy, với dân số 90 triệu người, cả nước sẽ có khoảng 90.000 điểm bán lẻ, nhưng trên thực tế, cả nước có hơn 270.000 điểm bán lẻ rượu. Bên cạnh đó, nhiều hệ thống phân phối không có giấy phép kinh doanh, giấy phép đặc thù nhưng vẫn phân phối rượu ra thị trường.

Nguồn nguyên liệu “tạp phế lù”

Đánh giá của cơ quan chức năng, hiện rất ít doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất rượu chủ động được nguồn nguyên liệu cồn mà phải mua của các cơ sở sản xuất để pha chế rượu. Các cơ sở sản xuất rượu tư nhân lại càng không có khả năng sản xuất cồn, mà phải mua của các công ty sản xuất hoặc mua cồn trôi nổi trên thị trường… Điều này làm cho việc kiểm soát chất lượng cồn và rượu thành phẩm rất khó.

Một chuyên gia sản xuất rượu cho biết, tiêu chuẩn để có được cồn tinh khiết lọc bỏ được các loại độc tố phải 6 lần chưng cất. Tuy nhiên, hiện nay, mới có một vài DN sản xuất lớn như Halico có tháp chưng cất 8 lần, một số DN có tháp chưng cất 2 lần…

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cồn pha nước lã và hương liệu thành rượu là cách phổ biến mà một số cơ sở sản xuất rượu chui thường dùng. Người uống phải rượu này không chỉ bị ngộ độc mà còn dẫn tới suy gan, suy thận, nặng là tử vong. Qua tính toán, 1 lít cồn giá 10.000 đồng có thể chế ra hơn 3 lít rượu, chỉ cần bán với giá 5.000 đồng/lít cũng có lãi (vì hầu như không tốn kém gì như khi lên men chưng cất). Tuy nhiên, những nhà làm rượu theo kiểu này thường mua cồn có chất lượng kém hơn, giá thấp hơn. Loại cồn có chất lượng kém này vốn chứa hàm lượng methanol, aceton vượt ngưỡng cho phép. Thậm chí, không ít công ty nhỏ lẻ còn nhái tên, kiểu dáng thương hiệu giống sản phẩm của các thương hiệu lớn, gây ảnh hưởng tới uy tín của các công ty này.

 “Hiện Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương dừng cấp phép, thống kê lại các điểm bán lẻ rượu trên địa bàn, tuy nhiên, đến nay, chưa có tỉnh nào thực hiện được việc này” - ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - chia sẻ.

Kỳ II: Hãy là người tiêu dùng thông thái!


Theo Báo Công thương

.