(BVPL) - Mùa hè, nhu cầu sử dụng các loại nước giải khát tăng cao nhất là trong những ngày nắng nóng vừa qua. Hiện nay, nhiều loại nước giải khát được người bán sử dụng các loại nguyên liệu, phụ liệu, phụ gia, tạo mùi, tạo hương không rõ nguồn gốc. Tuy các cơ quan chức năng đã có những đợt kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm các loại nguyên liệu, phụ liệu nhưng những đợt kiểm tra này còn mang tính hình thức, chưa tạo được kết quả bền vững.
 


Phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi chuyên cung cấp các loại hương liệu pha chế thực phẩm. Tại đây bán đầy đủ các loại hương liệu tạo mùi, phụ gia thực phẩm từ dạng bột cho đến chất lỏng với mức giá chỉ khoảng từ 50.000 – 100.000 đồng/kg. Có những loại phụ gia hương liệu thực phẩm dán nhãn mác của cơ sở sản xuất nhưng cũng có loại trên bao bì không có nhãn mác hay bất cứ thông tin gì về thành phần, nguồn gốc, hạn sử dụng. Thậm chí, tại đây có những loại phụ gia chỉ được người bán dán bằng những mảnh giấy màu để phân biệt các mùi vị khác nhau.

Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) người tiêu dùng rất dễ dàng để tìm mua các loại bột, chất tạo màu và hương liệu. Đặc biệt hiện nay, loại bột trà được đóng trong túi sẵn không có nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm được rất nhiều người tìm mua. Một chủ cửa hàng cho biết, loại hương liệu này có rất nhiều mùi vị, dễ sử dụng chỉ cần pha bột với nước sôi hòa tan thì sẽ ra một loại trà sữa… Theo chủ một cửa hàng: “Nếu mua để uống thì nên pha chế từ loại lá trà của Thái Lan, còn nếu để bán hàng thì dùng loại bột sẽ tiết kiệm chi phí và thu lời cao hơn”. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những loại bột này không có nguồn gốc rõ ràng, không có thông tin sản phẩm in trên bao bì, chính vì vậy, thông tin về kiểm định chất lượng cũng như về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm là hoàn toàn mờ mịt...

Dù ngang nhiên bày bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng sản phẩm nhưng các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này vẫn không bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Đây cũng là nỗi lo lắng của nhiều người tiêu dùng khi hàng ngày vẫn phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: "Nếu quá lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất có hại đến sức khỏe, có thể gây ngộ độc cấp tính, về lâu dài nếu được tích lũy cao có thể gây ung thư. Bên cạnh đó, việc sử dụng đường hóa học trong chế biến chè, nước hoa quả cũng có khả năng gây hại vì đường hóa học thường ngọt hơn đường kính và không có giá trị dinh dưỡng".

Thời gian qua, Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp phải nhập viện vì ngộ độc phụ gia thực phẩm... Tuy nhiên, đa phần phụ gia thực phẩm, hương liệu thực phẩm ít gây nhiễm độc ngay mà tích tụ dần trong cơ thể, đến thời điểm nào đó mới phát bệnh. Song việc nhận biết bệnh nhân ngộ độc bởi chất gì là điều không dễ dàng đối với các nhân viên y tế.

Do vậy, để có thực phẩm an toàn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của nhà sản xuất, hộ kinh doanh,  cùng với đó là việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng với những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Và người tiêu dùng cũng phải biết cách tự bảo vệ mình, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, tránh lạm dụng các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm trong chế biến.
 

Trần Thu

.