Nguồn điện đã mang đến không biết bao nhiêu lợi ích về kinh tế và đời sống cho con người… nhưng cũng tiềm ẩn nhiều “hiểm họa” nếu sử dụng không đúng kỹ thuật dẫn đến mất an toàn mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu kiến thức cần thiết về điện. Đã có không ít người “ngộ nhận” rằng hàng ngày vẫn sử dụng các “đồ điện” đấy thôi, có sao đâu!

 


Tuy nhiên, điều không yên tâm là đường điện sau đồng hồ do ngành điện lắp đặt, người dân đã tự đấu nối “đủ kiểu” trong nhà để sử dụng cho các vật dụng như đèn, quạt, tivi… một cách “phản kỹ thuật”. Chỉ riêng về dây điện câu mắc thôi cũng đã thấy…sợ, bởi dây gì cũng được kể cả dây thép miễn chỉ cần “có điện” là được!. Các phụ kiện đấu nối cũng vậy, chẳng cần rờ le tự động hay cầu dao ngắt điện…mà theo một số người dân để bớt đi phần tốn kém. Tại nhiều khu vực sản xuất người dân tự kéo điện chằng chịt, dây của hộ này chồng lên dây của hộ kia… thành “bó”. Cột chống thì đủ loại, từ cây tre đến cây gỗ. Đó là chưa nói có nơi do “quá sức chịu đựng” cột nghiêng ngã làm cho dây điện thòng sát đất… Lạ là người dân cứ mặc kệ, khi nào xảy ra hậu quả hẳn hay!. Tại các khu dân cư ngay trong thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cũng vậy. Sau đồng hồ (thường là lắp tại cột điện) người dân tự kéo chằng chịt chẳng sợ hậu quả là gì!.Có nơi người dân còn “dũng cảm” hơn bằng việc kéo 1 sợi “dây nóng”, ngâm mình xuống kênh, mương để chích cá…

Nguy hiểm là vậy, nhưng có điều lạ là ngành điện còn quá thờ ơ, thiếu kiểm tra để nhắc nhở, thậm chí là cắt điện nếu thấy không an toàn. Đằng này ngược lại, trước đồng hồ thì ngành điện quản lý còn sau đồng hồ thì "của ai" người đó quản như đã nói trên. Chình vì lẽ đó mà tình trạng chập điện gây cháy, nổ, điện giật chết người xảy ra. Đó là chưa kể tình trạng tổn thất điện năng do câu, móc điện không đúng chuẩn kỹ thuật, gây lãng phí không nhỏ. Mùa mưa bão đã đến gần kề, mong rằng ngành điện cần kiểm tra để nhắc nhở người dân sử dụng an toàn đồng thời tuyên truyền để “khách hàng” sử dụng điện đúng cách, tránh hiểm họa xảy ra.

 

Theo Báo Ninh Thuận

.