Ngước khuôn mặt non nớt với hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má, cháu N. (6 tuổi, con của bị hại Phùng Tường Khánh Ngọc, 25 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) nhìn bà ngoại nói: “Bà ngoại cho con qua phía mấy cô kia để hỏi tại sao các cô lại giết mẹ của con vậy?”.


Câu nói của đứa cháu như sợi dây làm thắt lòng bà ngoại. Những đau đớn của ngày mất đi con gái như hiện về trước mắt bà Nguyễn Thị Mỹ Nương (mẹ của bị hại Ngọc). Cứ thế, hai bà cháu ôm chầm lấy nhau để cho nước mắt không ngừng rơi.

Con trẻ mồ côi

Bà Nương cho biết, bà có 2 con gái, chị Ngọc là người con lớn. Chưa học hết lớp 12, chị Ngọc lấy chồng và sinh con khi ở tuổi 18. Vì trẻ người non dạ, chưa hiểu biết chuyện đời nên chung sống mới được 5 tháng, vợ chồng chị bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Chị Ngọc đã đâm đơn xin ly dị và một mình ôm con về nhà cha mẹ ruột. Từ đó, người mẹ trẻ một mình làm công nhân nuôi con nhỏ mà không có sự phụ giúp từ chồng.

Năm 2013, cha chị Ngọc mất vì bệnh, để lại bà Nương cùng các con, cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày. Thế rồi, vụ án mạng xảy ra.

Ngày 29-4-2014, Nguyễn Thị Tuyết Trinh (18 tuổi) điều khiển xe máy chở Nguyễn Thị Tuyết Hà (21 tuổi) và Hà Thị Mỹ Hạnh (19 tuổi), cả ba đều ngụ huyện Cẩm Mỹ, lưu thông trên đường liên ấp Lập Thành, xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) thì xảy ra va quẹt giao thông với xe máy chưa rõ người lái chở chị Ngọc. Hai bên cãi nhau dẫn đến xô xát, chị Ngọc đã dùng mũ bảo hiểm đánh nhóm của Trinh. Sự việc tưởng dừng lại ở đó, nào ngờ một tiếng sau, Trinh rủ Hạnh, Hà mang dao đi tìm đánh chị Ngọc. Khi đến khu vực ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, cả ba thấy chị Ngọc đang ngồi trong quán ăn ven đường bèn xông vào đánh. Hậu quả, Hạnh đã dùng dao đâm chị Ngọc tử vong.

“Mỗi lần nhìn cháu ngước mặt lên bàn thờ mẹ nói: “Chào mẹ, con đi học” lòng tôi lại đau như cắt. Tôi chỉ biết cố gắng bù đắp tình thương cho cháu để mong cháu không mang thù hận trong lòng sau này” - bà Nương nghẹn ngào nói.

Thấy bà ngoại khóc, thằng bé ôm lấy di ảnh của mẹ, mặt rúc vào đó mà khóc rưng rức khiến nhiều người không cầm lòng được cũng khóc theo. Mâu thuẫn đơn giản nhưng lại cướp mất mẹ của một đứa trẻ.

Bị cáo vô cảm

Bên cạnh đứa trẻ chưa hiểu biết chuyện đời đang khóc thương nhớ mẹ thì trước vành móng ngựa, các bị cáo lại tươi tỉnh, cười nói như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chốc chốc, chị em Trinh và Hà nhìn qua cha là ông Nguyễn Văn Khanh như để chào một lần, nhưng ông không thèm để ý.

Với khuôn mặt khắc khổ rất đáng thương, ông Khanh cho chúng tôi biết, cách đây 3 năm, ông đã ly thân với vợ. Ngày đó, vợ ông bắt Trinh và Hà nghỉ học để đi làm kiếm tiền. “Bà ấy dắt 2 đứa con gái đi, để lại cho tôi 2 đứa con trai nhỏ. Tôi cũng không biết họ đi đâu, chỉ biết lo làm ăn để nuôi 2 đứa con trai nên người. Lúc trước tôi khuyên 2 con gái lớn đừng bỏ học, chỉ thiếu điều quỳ lạy chúng nữa thôi. Nhưng mà các con tôi không nghe, một mực đi làm theo ý của mẹ” - ông Khanh nói.

Thương con, nhưng ông Khanh lại tức giận con hư nên không muốn nhìn nhận chúng nữa. Ông kể đã từng bị vợ cho người đến đánh, 2 con gái thì hư đốn, hỗn láo với ông. “Đối với vợ, tôi chỉ còn chữ hận” - vừa nói, ông Khanh vừa đưa ánh mắt tức giận nhìn về phía người vợ đang cười nói vui vẻ với những người xung quanh, trong khi 2 con đang phải tra tay vào còng.

Dù các bị cáo ở địa phương khác, nhưng 3 khuôn mặt này không xa lạ với nhiều người dân đến tham dự phiên tòa (xét xử lưu động ở Nông trường cao su Dầu Giây, huyện Thống Nhất). Nhiều người cho biết, 3 bị cáo đều làm tiếp viên trong các quán cà phê và không mấy đàng hoàng. Kể cả cái cách bị cáo Trinh khinh khỉnh khi trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử cũng khiến nhiều người thấy khó chịu.

Sau một lúc quanh co chối tội, 3 bị cáo đã cúi đầu nhận sai và xin được hưởng mức án nhẹ. Tuy vậy, sự nghiêm minh của pháp luật đã được thực thi khi bị cáo Hạnh phải lãnh mức án 17 năm tù, còn chị em Trinh và Hà lần lượt lãnh 11 năm và 9 năm tù giam cùng về tội giết người.

 

Theo Báo Đồng Nai

.