Các phương tiện truyền thông đã nhiều lần phản ánh việc kẻ gian lợi dụng mối quan hệ trên mạng xã hội, như: Facebook, Skype, Zalo… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn có nhiều người thiếu cảnh giác bị sập bẫy các đối tượng lừa đảo, thiệt hại tài sản đến hàng tỷ đồng.


Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh đã tiếp nhận đơn của bà N.T.T. (ngụ huyện Long Thành) tố cáo một người tự xưng là Eric Townsend (53 tuổi, quốc tịch Mỹ), đã lợi dụng mối quan hệ qua mạng Skype để lập bẫy lừa đảo chiếm đoạt của bà hàng tỷ đồng.

Quen “Đại tá quân đội Mỹ” qua mạng xã hội

Bà T. cho biết, khoảng tháng 4-2015, thông qua mạng Skype, bà đã quen Eric Townsend và 2 người thường xuyên liên lạc với nhau qua thư điện tử (email). Qua những lần trao đổi, Eric giới thiệu là đại tá quân đội Mỹ, đang làm nhiệm vụ tại Afghanistan. Eric cho biết đã có vợ và 2 con (một trai, một gái), nhưng họ đã chết trong một tai nạn máy bay.

Sau nhiều lần trò chuyện qua mạng, 2 người dần trở nên thân thiết, Eric hứa sẽ sang Việt Nam để kết hôn với bà T. Trước khi sang Việt Nam gặp “người tình”, Eric đã gửi cho bà T. “món quà” được gói thành một kiện hàng. Trong kiện hàng đó, Eric còn gửi kèm 1,8 ngàn USD và một số giấy tờ giới thiệu về thời gian Eric tham chiến tại Afghanistan.

Sau khi được “người yêu” ngoại quốc hứa gửi quà, bà T. liên tục nhận được email của một người xưng tên Steven (từ nước ngoài) thông báo rằng anh ta đang chuyển kiện hàng của Eric từ Mỹ về Việt Nam. Tuy nhiên, những thông báo sau đó của Steven lại cho bà T. biết: “Trên đường vận chuyển, kiện hàng đã bị lực lượng hải quan và cảnh sát nhiều nơi chặn lại để đòi tiền hối lộ. Để kiện hàng nhanh chóng chuyển đến đúng địa chỉ, Steven yêu cầu bà T. gửi tiền vào các tài khoản khác nhau để “bôi trơn” tại các địa điểm mà kiện hàng bị ách tắc”.

Thấy Steven nói hợp lý và cũng mong sớm nhận “quà” của “người yêu” ngoại quốc gửi tặng, từ ngày 4-5 đến ngày 16-6, bà T. đã nhiều lần gửi tiền vào 6 tài khoản do Steven đưa với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Nhưng sau nhiều lần gửi tiền mà chẳng thấy “quà” đến tay, bà T. nghĩ mình bị lừa nên đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng.

Lộ diện đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Theo PC46, đây là chiêu lừa đảo của một nhóm đối tượng người nước ngoài. Để thực hiện chiêu lừa này, bọn lừa đảo sinh sống tại một số quốc gia, như: Campuchia, Malaysia và Việt Nam để lên kế hoạch thực hiện. Nhóm đối tượng này còn tìm cách kết nối và làm quen với một số người Việt Nam ở các nước nói trên để lập mưu lừa đảo nạn nhân.

Theo điều tra của cơ quan công an, bọn lừa đảo thường sử dụng các mạng xã hội để làm quen với các nạn nhân. Sau khi đã dụ “con mồi” sập bẫy, bọn lừa đảo lên kế hoạch cùng tương tác vào tài khoản của nạn nhân để tạo lòng tin. Sẽ có nhiều tài khoản khác nhau tập trung nói chuyện với nạn nhân, nhưng thực chất chỉ là một nhóm đối tượng đang đánh vào lòng tin của nạn nhân.

Theo cơ quan công an, để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, bọn lừa đảo còn tìm cách lấy tài khoản của người khác làm địa chỉ nhận tiền. Để thực hiện mục đích này, kẻ gian lên mạng làm quen và nhờ người Việt Nam làm thẻ Visa rồi gửi số tài khoản, mật khẩu qua cho chúng. Một số trường hợp khác, bọn lừa đảo lấy số chứng minh nhân dân của một số người cầm cố tại các tiệm cầm đồ, hoặc đã bị mất để lập ra tài khoản. Sau khi có được thẻ Visa, bọn lừa đảo thường đến các ngân hàng ở Campuchia, Malaysia để rút tiền khi có nạn nhân gửi vào.

Được biết, nhiều người vì muốn làm quen với người nước ngoài để kết bạn, giao lưu tiếng Anh, tìm bạn đời… đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo qua mạng. Trường hợp không lừa lấy được tiền của nạn nhân, kẻ gian sẽ nhờ làm giúp thẻ Visa.

Qua điều tra bước đầu, PC46 xác định trong số 6 tài khoản mà bà T. đã chuyển tiền vào, có 5 tài khoản do người Việt Nam đứng tên. Qua xác minh chủ các tài khoản này, cơ quan điều tra xác định họ cũng là nạn nhân của bọn lừa đảo, như: bị mất giấy chứng minh nhân dân, bị các đối tượng người nước ngoài lừa làm thẻ Visa… Đặc biệt, trong 6 tài khoản mà bà T. đã gửi tiền vào, cơ quan công an xác định đã có tổng cộng 162 người dân trong cả nước gửi tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng vào các tài khoản này. Trong số đó, có 20 người đã xác định rõ địa chỉ, số còn lại chưa có thông tin cụ thể. Khi vụ việc bị phát hiện, số tiền trong các tài khoản này đã bị bọn lừa đảo rút ra từ các trạm ATM ở Campuchia và Malaysia.

Để phục vụ công tác điều tra, PC46 Công an tỉnh yêu cầu các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội liên hệ với cơ quan điều tra (gặp điều tra viên Nguyễn Thế Kỷ, qua các số điện thoại: 0199.9456999, 0987.868639) để trình báo.

 

Theo Báo Đồng Nai

.