Bên cạnh những giải pháp mang tính lâu dài sẽ được triển khai trong thời gian đến, nhiều biện pháp khắc phục những tồn tại các “điểm đen” khá đơn giản, chi phí rất thấp thế nhưng hiệu quả mang lại thấy rõ.

 

Lắp dải phân cách mềm lối rẽ từ đường Ngũ Hành Sơn lên cầu Tiên Sơn.
Lắp dải phân cách mềm lối rẽ từ đường Ngũ Hành Sơn lên cầu Tiên Sơn.

 

Lâu nay, nút giao thông phía đông cầu Tiên Sơn luôn là điểm nóng về tai nạn giao thông (TNGT). Hầu hết các vụ TNGT đều xảy ra gần giống nhau là xe tải lớn, xe container đi trên đường Ngũ Hành Sơn đến nút giao thông rẽ lên cầu Tiên Sơn gặp người đi xe máy, mô-tô trên đường gom đi vào vòng xuyến hoặc rẽ phải lên cầu dẫn đến va quệt và cuốn vào gầm xe.

 

Trong quá trình khảo sát, đoàn liên ngành đề xuất lắp đặt dải phân cách mềm tách làn (ô-tô và xe máy, mô-tô đi riêng) hướng từ đường Ngũ Hành Sơn rẽ lên cầu Tiên Sơn, đồng thời tăng cường điều tiết hướng dẫn giao thông của lực lượng CSGT. Ghi nhận của chúng tôi từ khi lắp dải phân cách mềm cho thấy, các phương tiện từ đường Ngũ Hành Sơn rẽ lên cầu đi trật tự ở hai làn riêng biệt nên khá an toàn.

 

Trong lúc đó, giải pháp cấm xe rơmoóc, sơmi rơmoóc trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Hữu Thọ từ 5 giờ đến 23 giờ mỗi ngày cũng đã “hạ nhiệt” được tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ TNGT tại nút giao thông Điện Biên Phủ-Lê Độ-Nguyễn Tri Phương.

 

Những người dân sống gần nút giao thông này cho biết, lâu nay ùn tắc giao thông và những vụ TNGT xảy ra tại vị trí này đều có sự “góp mặt” của các loại xe rơmoóc và sơmi rơmoóc, vì vậy việc cấm những loại xe này hoạt động vào giờ cao điểm thì tình hình thay đổi theo hướng tích cực.

 

Nút giao thông phía tây cầu Rồng cũng là một “điểm đen” vì vừa ùn tắc giao thông vừa tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao do thiếu vạch kẻ qua đường dành cho người đi bộ trên đường 2 tháng 9 và cây xanh trên dải phân cách đường Nguyễn Văn Linh quá cao che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.

 

Sau khi khắc phục hai hạn chế này, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Hoặc đơn giản hơn là biện pháp nâng cao 3 vị trí dành cho người qua đường tại nút giao thông đường Nguyễn Tất Thành giao với đường sắt. Lâu nay lối dành cho người đi bộ qua đường tại đây đã bị người đi xe gắn máy, mô-tô lấn chiếm đi tắt qua đường nên rất dễ xảy ra tại nạn.

 

Gần đây khi các lối đi bộ này được nâng cao (bằng với dải phân cách) người đi xe gắn máy, mô-tô muốn qua đường phải đi đến nút giao thông Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Lương Bằng nên rất an toàn cho người đi bộ.

 

Theo kế hoạch xử lý 53 “điểm đen” về TNGT trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố thông qua, bên cạnh những giải pháp mang tính lâu dài cần sự đầu tư lớn đang được chuẩn bị để triển khai trong năm 2016, thì những biện pháp đơn giản, chi phí ít cũng đang được ngành giao thông và các địa phương triển khai đồng loạt trên tất cả vị trí đã được xác định.

 

Ngoài các giải pháp “mềm” như tăng cường lực lượng tuần tra, hướng dẫn và tuyên truyền vận động đã và đang được thực hiện, thì các biện pháp mang tính kỹ thuật như cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn; vận động các hộ dân tháo gỡ vật hàng quán, biển hiệu lấn chiếm vỉa hè, chiếm lối đi của người đi bộ; sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, lắp đặt thêm hệ thống đèn vàng cảnh báo; cải tạo thu hẹp những vòng xuyến quá lớn; tổ chức giao thông một chiều ở một số đoạn, tuyến đường xảy ra nhiều xung đột... đang được các đơn vị thi công khẩn trương tiến hành.

 

Ngành giao thông vận tải cũng đã khẩn trương sửa chữa, dán biển phản quang cho 2.027 biển báo và lắp bổ sung thêm 525 biển báo giao thông mới; rà soát di dời 4 cụm đèn tín hiệu giao thông không phù hợp, lắp đặt 6 cụm đèn tín hiệu giao thông mới; kẻ lại vạch tim đường và vạch dành cho người đi bộ trên 42 tuyến đường và tiếp tục triển khai trên 36 tuyến đường khác... Với những nỗ lực này, hy vọng rằng đón Tết Bính Thân 2016  năm nay, hạ tầng giao thông sẽ bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi và an toàn.

 

Theo Báo Đà Nẵng

.