Tiếp tục mắc bẫy công an… rởm
Liên tiếp trong những ngày qua, Công an thành phố Hà Nội nhận được đơn thư của người dân tố giác các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát... gọi điện thoại đe dọa, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điển hình như vào ngày 26/11/2022, Công an phường Dịch Vọng tiếp nhận đơn trình báo của bà L. (sinh năm 1959, trú tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) về việc nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát thông báo bà L. có liên quan đến vụ án ma túy. Đối tượng yêu cầu bà L. phải chuyển tiền vào tài khoản để phong tỏa, nếu không liên quan sẽ trả lại. Do lo sợ, bà L. đã chuyển 4,25 tỉ đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi chuyển tiền, bà L mới biết mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng trình báo.
Tương tự, với thủ đoạn giả danh nêu trên, trước đó vào ngày 7/11, Công an phường Ngọc Thụy tiếp nhận đơn trình báo của bà D. (sinh năm 1953, trú tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội) về việc bà D. có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là Đại tá Công an. Đối tượng nói bà D. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau đó, bà D. phát hiện tài khoản bị mất gần 6 tỉ đồng nên mới đến cơ quan Công an phường Ngọc Thụy trình báo.
|
|
Nạn nhân đến trình báo tại cơ quan công an.
|
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan tư pháp sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Giả danh Cảnh sát PCCC để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Gần đây, Công an thành phố Hà Nội cho biết đã nhận được tin báo của một số cơ quan, doanh nghiệp, người dân phản ánh về việc có đối tượng giả danh là Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC)và cứu nạn cứu hộ Công an thành phố, yêu cầu chuyển tiền để tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Đối tượng lừa đảo thường thông qua hình thức gọi điện đến các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, trường học, người dân, nhất là các cơ sở kinh doanh mới hoạt động, giới thiệu mình là cán bộ PCCC yêu cầu làm các giấy tờ liên quan, bán sách, tài liệu, các phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ với giá cao hơn so với giá thị trường. Sách và tài liệu được gửi qua đường bưu chính, người mua trả tiền trước khi nhận bưu phẩm, tuy nhiên không thể liên lạc lại với số điện thoại của người gửi sau khi đã thanh toán tiền.
Hành vi trên đã gây hoang mang cho người dân, doanh nghiệp và làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lực lượng Cảnh sát PCCC cứu nạn cứu hộ Công an thành phố.
|
|
Công an Hà Nội tiếp nhận nhiều tin báo của nạn nhân bị các cuộc gọi mạo danh lừa đảo.
|
Chị N.L - một chủ cơ sở kinh doanh ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất (Hà Nội) nhận được số máy lạ gọi đến, giới thiệu tên là Lê Thanh Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Thạch Thất, cho biết sắp tới Đội tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ trong một ngày để triển khai Luật Phòng cháy, chữa cháy và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ, yêu cầu chị L đăng ký tham gia.
Lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ gửi giấy mời và tài liệu về cơ sở kinh doanh của chị L. Do cả tin, chị L đã đồng ý tham gia. Mấy ngày sau, chị L nhận được một bưu kiện do shipper chuyển đến và yêu cầu thanh toán 950.000 đồng.
Chị L đã nộp tiền theo yêu cầu, tuy nhiên, khi bóc bưu kiện, chị L chỉ nhận được một cuốn sách Luật Phòng cháy, chữa cháy nhưng không có giấy mời tham gia lớp tập huấn như đã trao đổi. Chị L không liên lạc với số máy của người tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an huyện Thạch Thất. Lúc này, chị L mới biết mình bị lừa.
Theo Công an thành phố Hà Nội, trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ sẽ tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn việc đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ có kế hoạch và gửi công văn kiểm tra thông báo đến cơ sở, cơ quan doanh nghiệp trước 3 ngày làm việc.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố không gửi bất cứ tài liệu, phương tiện phòng cháy liên quan đến công tác tập huấn nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ dưới hình thức chuyển phát nhanh; không yêu cầu công dân, doanh nghiệp chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ …
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
|