Để chuẩn bị các điều kiện phục vụ khi đoàn thanh tra làm việc, UBND thành phố chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tự đối chiếu, rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của đơn vị mình để phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế (nếu có) trong thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các chương trình, kế hoạch chuyên đề, văn bản chỉ đạo của thành phố và các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; không để xảy ra các sai phạm, tồn tại, hạn chế tại đơn vị mình quản lý.

Thủ trưởng các đơn vị thực hiện trách nhiệm người đứng đầu cơ sở bảo đảm công tác an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với trụ sở cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý… là tinh thần được nêu trong Chương trình số 03/CTr-UBND ngày 7-2-2023 của UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố năm 2023.

leftcenterrightdel
 Hà Nội "siết" các quy định về phóng cháy, chữa cháy.

Chương trình nêu rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, ngoại giao, các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn thành phố. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; trình độ, kỹ năng, khả năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tới sâu rộng các tầng lớp nhân dân...

Bên cạnh đó, siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra liên ngành; kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Thành phố cũng tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn thành phố để chủ động trong công tác chữa cháy, đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng, các cấp chính quyền giải tỏa kịp thời các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây bục bệ, cầu dẫn, dựng barie, hàng rào, treo bảng biển... gây cản trở hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp điều tra, khảo sát và cập nhật cơ sở dữ liệu nguồn nước chữa cháy đối với các trụ nước chữa cháy, nguồn nước tự nhiên, bể nước trên ứng dụng Google maps.

Cùng với kiện toàn lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ…, thành phố sẽ bố trí phù hợp lực lượng ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới, bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 437/UBND-NC ngày 21-2-2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố yêu cầu phải thống nhất nhận thức làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Thành phố yêu cầu tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các chủ trương, chính sách, hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nữa trong công tác này, không để việc triển khai, thực hiện chưa đạt được yêu cầu đề ra, còn có sự buông lỏng trong quản lý như ở một số đơn vị hiện nay.

Thành phố yêu cầu tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; gắn kết chặt chẽ phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn. Định kỳ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện.

Xử lý dứt điểm đối với cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực và các công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy...

Công khai 100% dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát. Tiếp tục bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói chung, ưu tiên bố trí kinh phí tập huấn, trang bị phương tiện và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng…

 

 

Hồng Vân