Giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm và có trường hợp đã gây chết người - tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều trên các tàu đánh bắt cá. Đa số các vụ việc đều liên quan đến uống rượu và sự thiếu kiềm chế của thuyền viên cũng như chủ ghe.

 


Lúc 23 giờ ngày 23-9-2014, trên tàu cá BV-7109.TS do ông Trần Lê làm thuyền trưởng đang đánh bắt hải sản tại vùng biển BR-VT, xảy ra mâu thuẫn và xô xát giữa thuyền viên (TV) Nguyễn Thanh Cường (quê Khánh Hòa) với 2 TV khác là Nguyễn Hà Ry Huynh (quê Bình Định) và Nguyễn Ngọc Tuấn (quê TP.Vũng Tàu). Vụ việc ngay lập tức được mọi người can ngăn. Sau đó, khi các TV trên tàu cá đi ngủ, Cường cùng với 1 TV khác tên Danh lên nóc cabin của tàu cá uống rượu cho đến 4 giờ sáng ngày 24-9-2014. Lúc này Danh đi ngủ, còn Cường xuống cabin lấy tô nhôm nấu mì tôm để ăn. Trong lúc đang ăn, Cường thấy Huynh và Tuấn đang ngủ trên 2 chiếc võng gần đó nên nảy sinh ý định đánh trả thù. Sẵn trên tay cầm tô mì tôm đang nóng, Cường hắt vào mặt Tuấn, gây bỏng. Tuấn tỉnh giấc tri hô. Huynh nằm ngủ trên võng cạnh bên cũng bật dậy theo phản xạ thì liền bị Cường dùng dao sẵn có ở bếp (dài 30cm, rộng 8cm) chém từ trên xuống vào đỉnh đầu, trán và cổ chân, gây chấn thương sọ não. Huynh vùng bỏ chạy cùng với Tuấn vào cabin ẩn núp. Cường tiếp tục cầm dao truy đuổi và hét to: “Tao chém chết chúng mày, tao sẽ băm chúng mày...!” làm Huynh và Tuấn hoảng sợ chạy vòng quanh tàu cá. Biết không thể nói chuyện phải trái được với Cường nên các TV trên tàu cá đã khống chế bắt giữ Cường đưa vào bờ giao cho Công an phường 5 (TP.Vũng Tàu) giải quyết vụ việc.

Trong một vụ đánh nhau khác diễn ra trên tàu cá BD-30990.TS do ông Trương Tấn Thành (quê Bình Định) làm thuyền trưởng thì người vướng vào vòng lao lý lại chính là ông thuyền trưởng này. Theo lời khai của các TV, đêm 29-9-2014, trong lúc tàu cá BD-30990.TS đang đánh bắt hải sản trên vùng biển BR-VT, 2 TV Nguyễn Trọng Toán và Bùi Văn Thành (quê Bình Thuận) rủ nhau lên nóc cabin của tàu cá này uống rượu. Rượu vào lời ra, giữa Toán và Thành xảy ra cự cãi rồi đánh nhau. Trước khi Toán và Thành rủ nhau uống rượu, TV tên Lý (quê Bình Thuận) đã ném 2 chai rượu xuống biển. Thấy vậy, Toán đã nổi khùng và lấy chăn, chiếu, gối của tàu cá ném xuống biển. Đến 7 giờ 30 phút ngày 30-9-2014, thấy chăn, chiếu, gối bị ném hết xuống biển, ông Thành hỏi Toán: “Tại sao lại ném hết tài sản của tàu cá xuống biển?”, Toán cự lại: “Đó mà tài sản gì?” nên giữa 2 bên to tiếng với nhau. Bực tức, ông Thành dùng tay chân đánh vào mặt, vào người Toán. Cùng lúc, con trai ông Thành là Trương Công Danh (SN 1988) đứng gần đó cũng dùng chân đá vào người Toán. Vụ đánh nhau được Lý can ngăn nên kết thúc tại đó. Nhưng đến khoảng 10 giờ cùng ngày, khi mọi người đi ăn cơm, Lý lên nóc cabin gọi Toán xuống ăn cơm thì phát hiện Toán đã chết. Sau đó, ông Thành điều khiển tàu cá vào cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ) trình báo vụ việc với cơ quan công an.

Ngoài 2 vụ vừa nêu, thời gian qua trên vùng biển BR-VT còn xảy ra nhiều vụ đánh nhau, gây thương tích khác giữa các TV đang làm việc trên tàu cá. Trong đó, không ít vụ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm chết người như trường hợp xảy ra tại cảng Bến Đầm (Côn Đảo). Mọi việc cũng khởi nguồn từ việc ăn nhậu và sau đó xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau giữa các TV trên tàu. Trong lúc ẩu đả, 1 TV rơi xuống biển chết đuối.

Điều đáng lo ngại là số vụ đánh nhau, gây thương tích giữa các TV trên tàu cá ngày càng trở nên phổ biến hơn, mà các chủ tàu cá gần như không có biện pháp gì để ngăn ngừa. Theo nhận định của một cán bộ điều tra của Công an tỉnh BR-VT, TV tàu cá hầu hết có trình độ học vấn thấp, nhận thức xã hội, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên nhiều lúc ứng xử không chuẩn mực, lại thêm thường xuyên uống rượu nên dễ dẫn đến mâu thuẫn cá nhân. Trong khi xảy ra mâu thuẫn, các TV trên tàu và ngay cả thuyền trưởng cũng không đủ khéo léo để hòa giải kịp thời, dẫn đến những vụ đánh nhau bằng hung khí, gây thương tật và thậm chí chết người. Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng nêu trên, chính các chủ tàu cần có phương pháp quản lý, tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc hơn nữa số TV làm việc trên tàu. Dù là lao động mang tính thời vụ, nhưng trong bước tuyển chọn TV chủ tàu cần có những yêu cầu, ràng buộc cụ thể về kỷ luật lao động, tinh thần làm việc, hành vi ứng xử. Mặt khác, chính quyền địa phương phát triển nghề đánh bắt cá cũng nên rà soát, nhắc nhở và giao trách nhiệm cho chủ tàu rèn giũa, giáo dục nhận thức cho lực lượng TV; hạn chế việc tổ chức ăn nhậu, uống rượu quá chén dẫn tới không kiểm soát được hành vi, gây hại cho người khác và cho bản thân các TV.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.