(BVPL) - Trong những năm gần đây, tội phạm kinh tế xảy ra trong lĩnh vực Ngân hàng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, số vụ nghiêm trọng diễn ra ngày càng tăng về số vụ và mức độ thiệt hại. Hầu hết các vụ xảy ra đều liên quan trực tiếp hoặc có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng. Đến nay đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và hoạt động, sản xuất kinh doanh, gây dư luận xấu trong xã hội.
Theo báo cáo của C46 Bộ Công an, từ năm 2010 đến nay, cơ quan này đã phát hiện, xác lập điều tra 189 vụ án, đã khởi tố gần 70 vụ với 235 bị can, trong đó có 110 bị can là cán bộ của ngân hàng, kiến nghị xử lý hành chính 85 cán bộ ngân hàng khác. Tổng số thiệt hại mà tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng đã “cướp” tiền ngân sách là trên 12.000 tỷ đồng và trên 3000 lượng vàng, nhưng cơ quan chức năng mới thu hồi được gần 3000 tỷ đồng.
Một số vụ nghiêm trọng, liên tiếp xảy ra như: Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 100 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Công thương chi nhánh Đồng Nai, Cơ quan điều tra đã khởi tố 7 cán bộ ngân hàng về tội Vi phạm quy định cho vay; vụ vợ chồng Hồ Minh Hậu, Phạm Ái Loan lừa đảo chiếm đoạt 400 tỷ đồng của 3 ngân hàng liên doanh Việt Nga, Vietcombank Chi nhánh Bình Dương, Chi nhánh ngân hàng BIDV Phú Yên, Cơ quan điều tra đã khởi tố 5 cán bộ ngân hàng về tội Cố ý làm trái; vụ Công ty TNHH Công Chính và Công ty TNHH XNK và DV Thái Nguyên tại Lâm Đồng lừa đảo chiếm đoạt khoảng 600 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM, khởi tố 2 cán bộ ngân hàng; Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, ước thiệt hại 1.600 tỷ đồng, đã khởi tố 9 bị can trong đó có 5 cán bộ ngân hàng; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh TP. HCM lừa đảo chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của 10 ngân hàng và doanh nghiệp, đã khởi tố 25 bị can, trong đó có 9 cán bộ ngân hàng…
Gần đây nhất là vụ Nguyễn Đức Kiên đã thành lập 3 công ty con đứng tên người thân, phát hành trái phiếu không đảm bảo bằng tài sản, sau đó dùng trái phiếu này thế chấp ngân hàng vay nhiều tỉ đồng để “làm xiếc” trong kinh doanh tài chính.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các vụ, việc vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế và chủ yếu vẫn là giải quyết hậu quả đã xảy ra.
Cán bộ ngân hàng phạm tội đều do cố ý!
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tại Hội nghị nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng do VKSNDTC phối hợp với Ban quản lý dự án “Chương trình đối tác tư pháp” tổ chức tại Hải Phòng vừa qua thì hầu hết các vụ án trong lĩnh vực này đều do các cán bộ cố ý lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của ngân hàng, không làm đúng quy trình, quy định về quản lý tài chính để tham ô.
Lợi dụng chính sách quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VNĐ không quá 14%/năm, nhưng không có chế tài, một số chi nhánh ngân hàng đã “lách” bằng cách tạo ra phí môi giới để tham ô như vụ 23 cán bộ Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng giấy CMND của nhiều người thân trong gia đình, lập 125 sổ tiết kiệm, lập khống 125 giấy xác nhận huy động vốn và chứng từ chi tiền môi giới khống, huy động vốn ảo với số tiền trên 150 tỷ đồng, chiếm đoạt môi giới gần 5 tỷ đồng.
Vụ Bùi Thị Tâm, cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á Chi nhánh quận 5 TP. HCM lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của ngân hàng móc nối với Đàm Văn Lợi, Thủ quỹ Ban quản lý chợ Hòa Bình và Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ, làm giả hơn 700 bộ hồ sơ vay vốn của 430 hộ tiểu thương chợ Hòa Bình để vay hơn 160 tỷ đồng, trong đó tiểu thương thực vay là gần 6 tỷ đồng, còn lại khoản 155 tỷ đồng, Tâm rút ra sử dụng cá nhân như trả nợ, kinh doanh chứng khoán, bất động sản và cho người khác vay lại với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch.
Cùng với đó, một số cán bộ ngân hàng còn cố ý làm trái quy định, quy trình cho vay vốn, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, nhận hối lộ… tiếp tay cho tội phạm. Điển hình như: vụ Phan Thành Chính, Phan Thành Lập, chủ 2 doanh nghiệp đã giả mạo hồ sơ vay vốn được cán bộ lãnh đạo ngân hàng Techcombank chi nhánh TP.HCM giúp sức, thông đồng, chúng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng của Ngân hàng này.
Vụ 3 doanh nghiệp đều có trụ sở tại tỉnh Đắk Nông lập giả chứng từ mua bán, xuất khẩu cà phê được sự giúp sức của cán bộ Ngân hàng Đầu tư phát triển Chi nhánh Đắk Lắk để lừa đảo chiếm đoạt 600 tỷ đồng.
Vụ Đoàn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Trần Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hải Phòng nhận hối lộ 5 tỷ đồng của ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Công ty CP dệt may Hải Phòng để xử lý tài sản thế chấp của Công ty này tại BIDV chi nhánh Hải Phòng sai nguyên tắc.
Không chỉ có vậy, rất nhiều cán bộ ngân hàng còn trắng trợn thuê các đối tượng làm giả con dấu, chữ ký, giả mạo giấy tờ để lừa đảo, tham ô chiếm đoạt tiền ngân hàng. Lợi dụng tình hình ngân hàng thiếu thanh khoản mà không huy động được vốn nhàn rỗi trong dân cư (thị trường 1), lợi dụng vốn vay ở thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) thấp hơn ở thị trường 1, đánh vào lòng tham của các cá nhân và tổ chức, một số cán bộ ngân hàng biến chất đã làm giả con dấu, giả chữ ký của giám đốc ngân hàng thương mại có uy tín, ký hợp đồng huy động vốn với lãi suất cao hơn lãi suất trần từ 4 – 8%, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tin là thật cộng với sự tham lam… đã dốc “hầu bao” chuyển tiền hàng ngàn tỷ đồng đến tài khoản tiền gửi mà chúng chỉ định rồi sử dụng vị trí công tác trong ngân hàng thương mại làm giả chữ ký, con dấu chủ tài khoản, làm giả chứng từ, thông đồng chuyển tiền lòng vòng qua các ngân hàng để che giấu rồi chiếm đoạt. Mới đây, đã xảy ra liên tiếp 2 vụ lớn là Huỳnh Thị Huyên Như và Võ Anh Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của ngân hàng, công ty chứng khoán, doanh nghiệp sân sau của một số ngân hàng TMCP, công ty quản lý quỹ và một số cá nhân…
Theo Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai: Hoạt động tín dụng, ngân hàng vừa là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội và ổn định an ninh quốc phòng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng tình hình tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết đối với vấn đề đảm bảo an ninh kinh tế đối với hệ thống ngân hàng và nền tài chính quốc gia. Ngành Kiểm sát cần phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm ra giải pháp tham mưu cho Đảng, Nhà nước quản lý ngành ngân hàng phát triển lành mạnh; trang bị các kiến thức đấu tranh chống loại tội phạm này cho lực lượng Kiểm sát viên các cấp; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
Quang Chiến