Tham mưu vượt thẩm quyền nội dung “định giá rừng”

Cụ thể, trong công tác quản lý sử dụng đất đai, bên cạnh kết quả đạt được, qua thanh tra công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.

Theo đó, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, có văn bản ban hành chậm, không toàn diện, chưa cụ thể; chưa ban hành văn bản quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; không quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP; không xác định cụ thể thời gian các bước thực hiện thủ tục hành chính của từng cơ quan theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; chưa có văn bản hướng dẫn và thực hiện việc xác định nộp ngân sách tối thiểu (M3) trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo quy định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020; chưa có hướng dẫn và thực hiện bồi thường hành vi vi phạm đối với rừng được quy định tại khoản đ Điều 33 Luật Bảo vệ và phát triển rừng và khoản 3 Điều 91 Luật Lâm nghiệp...

Việc lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất còn chậm, vi phạm quy định của Luật Đất đai, mặc dù đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận, chỉ ra nhưng chậm khắc phục; tình trạng vi phạm trên vẫn xảy ra tại thời điểm năm 2018 - 2019.

Quá trình xây dựng quy hoạch xây dựng, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện còn có vi phạm về trình tự, thủ tục, phải điều chỉnh nhiều lần, chưa công khai theo quy định, có biểu hiện chạy theo dự án (dự án mở rộng Nhà hàng ven sông Đăk Bla do Công ty Cổ phần Trường Long làm Chủ đầu tư) vi phạm Điều 46 Luật Đất đai 2013; một số chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện đạt tỷ lệ thấp. Quy hoạch dự án thuỷ điện nhỏ và vừa còn biểu hiện chạy theo nhà đầu tư.

Việc phê duyệt Bảng giá đất 05 năm giai đoạn 2020 - 2024 không sát giá thị trường tại nhiều vị trí đất ở, không đúng Điều 112 Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc định giá đất. Bên cạnh đó, các hướng dẫn cụ thể việc sử dụng Bảng giá đất (như tính giá đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, quy định phân loại vị trí đất...) tại địa bàn các huyện, thành phố không cụ thể, không đồng nhất dẫn đến khi áp dụng trên thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau. UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền quyết định khung giá rừng nhưng cơ quan tham mưu cả nội dung “định giá rừng” là vượt thẩm quyền, vi phạm khoản 4 Điều 90 và điểm h khoản 1 Điều 102 Luật Lâm nghiệp 2017, khoản 2 Điều 13 Thông tư số 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018; chưa tham mưu và UBND tỉnh chưa xây dựng bảng giá các loại rừng trên từng địa bàn cụ thể là vi phạm khoản 1 Điều 14 Thông tư số 32/2018/TT BNNPTNT ngày 16/11/2018.

Giao đất (cho 85 trường hợp tại huyện Đắk Hà và 319 trường hợp tại huyện Ngọc Hồi; 43 trường hợp Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, thành phố Kon Tum không thuộc đối tượng tái định cư; 02 trường hợp giao đất trồng cây hàng năm tại huyện Kon Rẫy) không thông qua đấu giá, vi phạm Luật Đất đai; cho thuê đất công không tổ chức đấu giá hoặc có tổ chức đấu giá nhưng không đúng quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 4/4/2015; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp Kế hoạch sử dụng đất; tính không đúng tiền sử dụng đất (khi công nhận quyền sử dụng đất lần đầu hoặc chuyển mục đích sử dụng đất) nhưng cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý, thể hiện sự buông lỏng quản lý. Trong cổ phần hoá, còn chưa xử lý dứt điểm tồn tại liên quan đến việc thu hồi 3.245,6 m2 đất để cho Công ty TNHH Ngọc Thy thuê đất.

leftcenterrightdel
 Một lô đất xảy ra sai phạm, xây dựng trái phép ở TP Kon Tum. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, còn có một số vi phạm trong cho thuê đất đối với hộ gia đình cá nhân như: cho thuê đất không thông qua đấu giá; người dân thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích; cho thuê đất quy hoạch trồng cây lâu năm để xây dựng Trung tâm thương mại và cấp Giấy chứng nhận sai quy định. Trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, cơ quan chức năng chưa có biện pháp để thu hồi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn nợ về ngân sách; còn buông lỏng quản lý, không yêu cầu đơn vị nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa với số tiền là 104,4 triệu đồng.

Thông báo Kết luận thanh tra nêu rõ, trách nhiệm chính để xảy ra vi phạm, thiếu sót, tồn tại về công tác quản lý sử dụng đất đai nêu trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan; Thủ trưởng các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Cục thuế, Tư pháp; UBND 10 huyện, thành phố (Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách, Trưởng phòng TN&MT, Trưởng phòng quản lý đô thị, Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng); người xử lý, trình, ký văn bản và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.

Buông lỏng quản lý trong công tác quản lý đầu tư xây dựng

Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, đối với các dự án vốn ngoài ngân sách, công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện các dự án đầu tư còn chưa được thường xuyên, kịp thời; công tác quản lý, đôn đốc thu nộp tiền ký quỹ có dự án còn buông lỏng, để Chủ đầu tư không thực hiện, vi phạm Luật Đầu tư nhưng không có biện pháp xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước với số tiền 115.405 triệu đồng. Việc xử lý đối với các vi phạm của các dự án chậm tiến độ, dự án đầu tư không hiệu quả, đặc biệt là các dự án không triển khai còn thiếu kiên quyết, buông lỏng quản lý, giám sát đầu tư, không đề xuất chấm dứt hoạt động là vi phạm Luật Đầu tư năm 2014.

UBND tỉnh buông lỏng quản lý để một số chủ đầu tư tạm ứng hợp đồng xây dựng khi chưa có mặt bằng thi công trong thời gian dài, không thu hồi tiền tạm ứng, không gia hạn hợp đồng, không gia hạn bảo lãnh hợp đồng, nguy cơ mất vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn ngân sách. Tổng số tiền tạm ứng quá hạn cần phải thu hồi nhưng chưa thực hiện là 50.668,065 triệu đồng vi phạm điểm g khoản 2 Điều 68 của Luật Xây dựng 2014, trong đó phải thu hồi tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ với số tiền 8.508,115 triệu đồng. Việc phân bổ vốn đầu tư cho các dự án do Ban quản lý các dự án 98 làm Chủ đầu tư còn chiếm tỷ lệ lớn, làm hạn chế sự phát huy năng lực chuyên môn của các Ban quản lý chuyên ngành.

Trên địa bàn thành phố Kon Tum, việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn tùy tiện, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Việc cấp phép xây dựng còn vi phạm Luật Xây dựng 2014, còn buông lỏng quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng, để xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật; công dân sử dụng đất sai mục đích, cho Công ty Cổ phần Trường Long đổ thải trái pháp luật; UBND thành phố có dấu hiệu cố ý làm trái quy định, làm đường sai vị trí để thửa đất của bà Nguyễn Thị Ánh (vợ nguyên Bí thư thành phố Kon Tum) có 4 mặt tiền; UBND thành phố ban hành phương án 12 để hợp thức hóa (chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng) cho việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp còn vi phạm Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017.

Tại huyện Đắk Hà, vi phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng đối với Công viên Tượng đài (Công viên Đắk Hà) và Vườn hoa trung tâm hành chính huyện Đắk Hà (Công viên 24/3) còn chưa được khắc phục, xử lý triệt để, nhất là việc xử lý vi phạm của công chức còn chưa tương xứng với mức độ để xảy ra vi phạm.

Trách nhiệm chính để xảy ra các vi phạm về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, buông lỏng quản lý tiền chuyển đổi đất lúa, đổ thải trái pháp luật thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách; Thủ trưởng, các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh; Thành ủy thành phố Kon Tum; UBND các huyện và thành phố Kon Tum (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phụ trách, UBND các phường, xã, Ban quản lý các dự án, Trưởng phòng TN&MT, Trưởng phòng quản lý đô thị, Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng); người xử lý, trình, ký văn bản và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.

Từ những nội dung kết luận, nhận xét, đánh giá nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum căn cứ kết quả thanh tra, tiến hành các bước xử lý như: Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của UBND tỉnh và cá nhân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu trong Kết luận thanh tra.

Căn cứ thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có liên quan tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vì để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, thành phố tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại đã được nêu trong Kết luận thanh tra.

Đồng thời, giao các cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra với tổng số tiền là 194.982,888 triệu đồng. 

P.V