Về nguyên tắc xử lý kỷ luật (Điều 2), Hướng dẫn nêu rõ: Trường hợp xem xét kỷ luật theo đề nghị của tổ chức đảng cấp dưới đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, tổ chức đảng có thẩm quyền phải xác minh, làm rõ vi phạm trước khi xem xét, quyết định hoặc đề nghị xem xét kỷ luật.

Thời gian chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên khi có quyết định thay đổi hình thức kỷ luật được tính cả thời gian đã chấp hành của các quyết định kỷ luật trước đó (tính đủ 12 tháng).

Về thời hiệu kỷ luật (Điều 4), theo Hướng dẫn: Thời điểm xảy ra hành vi vi phạm phải được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, làm rõ, kết luận.

Đối với vi phạm mà xác định được thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt.

Đối với vi phạm mà không xác định được thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật đối với: Thời gian chưa xem xét, xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b, d khoản 14 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW.

Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có).

Về tình tiết tăng nặng mức kỷ luật (Điều 6), Hướng dẫn nêu rõ: Tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhiều lần hoặc bị kỷ luật nhiều lần là vi phạm hoặc bị kỷ luật từ lần 2 trở lên, tính cả vi phạm hoặc bị kỷ luật trước đó về hành chính, đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.

Vi phạm có tổ chức là vi phạm có sự cấu kết, bàn bạc, thống nhất giữa những tổ chức đảng hoặc đảng viên cùng vi phạm.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Đối với áp dụng hình thức kỷ luật, Hướng dẫn nêu rõ: Đảng viên giữ chức vụ bị kỷ luật theo quy định tại khoản 2 các điều từ Điều 25 đến Điều 56, thì xem xét kỷ luật cách chức đối với vi phạm: Đã bị kỷ luật mà tái phạm; Vi phạm trong phạm vi, lĩnh vực chuyên môn được giao; biết sai mà vẫn thực hiện hành vi vi phạm hoặc để xảy ra vi phạm tại tổ chức, cơ quan, đơn vị mình lãnh đạo, quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng; Đã được tổ chức đảng cấp trên chấn chỉnh, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục, rút kinh nghiệm nhưng vẫn để vi phạm tiếp diễn.

Kỷ luật cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm để xem xét, quyết định.

Về vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn (Điều 28), theo Hướng dẫn đó là: Tự ý liên hệ với tổ chức, cá nhân để thực hiện viết bài, cập nhật thông tin không theo chương trình, kế hoạch công tác, không đúng tôn chỉ, mục đích của ngành; có hành vi đe dọa, sách nhiễu, gây khó dễ, yêu sách về viết bài, đăng tải, gỡ bài, chia sẻ thông tin đối với tổ chức, cá nhân để nhận tiền, vật chất có giá trị hoặc lợi ích khác; có hành vi vi phạm bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính.

Vi phạm quy định khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 38) gồm: Đảng viên thực hiện quyền tố cáo được tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần; đúng về hiện tượng nhưng không đúng về bản chất thì không bị coi là bịa đặt, vu khống hoặc tố cáo sai.

Có lời nói, hành động hoặc thông qua người khác đe dọa, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.

Ngăn cản, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp trong thi chuyển ngạch, nâng bậc, nâng lương, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tố cáo.

Phân biệt đối xử, lôi kéo người khác cản trở việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người tố cáo.

Xử lý trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thay đổi công việc của người tố cáo với động cơ trù dập.

Trực tiếp hoặc thuê, nhờ người khác đe dọa, trấn áp, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trực tiếp hoặc thông qua người khác gặp, điện thoại, nhắn tin hoặc dùng các hành vi khác gây sức ép với người giải quyết nhằm làm sai lệch nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, Hướng dẫn còn đề cập đến các nội dung khác như: Vi phạm quan điểm chính trị và chính trị nội bộ (Điều 25); Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng (Điều 26); Vi phạm quy định thực hiện chính sách an sinh xã hội (Điều 48); Vi phạm quy định chính sách dân số (Điều 52); Vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 55)…

Xem toàn văn Hướng dẫn tại đâyhd-05.pdf

P.V